Phía đoàn công tác của Bệnh viện Lão khoa Trung Ương có BSCKII. Bùi Văn Dũng – Trưởng khoa Thăm dò chức năng là Trưởng đoàn, ngoài ra còn có đại diện một số Trung tâm/khoa/phòng của Bệnh viện. Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có TS.BS Lê Quang Đức – Phó Giám đốc Bệnh viện cùng các một số bác sĩ thuộc các Trung tâm, khoa phòng trong Bệnh viện.
Tại hội nghị, BSCKII. Bùi Văn Dũng- Trưởng khoa Thăm dò chưc năng Bệnh viện Lão khoa Trung Ương đã thuyết trình về kỹ thuật “ Điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới bằng nhiệt nội mạch (Laser/Sóng cao tần)” và cùng các thành viên thảo luận case lâm sàng. Việc chuyển giao kỹ thuật can thiệp được thực hiện tại khoa Khám chữa bệnh kỹ thuật cao – Tự nguyện BVĐK tỉnh Hải Dương dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ thuộc Bệnh viện Lão khoa Trung Ương.
Theo TS.BS Lê Quang Đức – PGĐ Bệnh viện, việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của các Bệnh viện tuyến trên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho người dân của tỉnh được tiếp cận với các kỹ thuật điều trị hiện đại, tiết kiệm nhiều chi phí và góp phần hạn chế tình trạng chuyển viện lên tuyến trên, tránh tình trạng quá tải tại tuyến trên.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạnh nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới tập trung chủ yếu ở phụ nữ, nhất là phụ nữ sau khi sinh, chiếm khoảng 80%. Bệnh này thường có các triệu chứng đau nhức chân, chủ yếu ở chân trái kèm các cảm giác khó chịu như: mỏi, nặng, cảm giác kiến bò, chuột rút… Những triệu chứng trên sẽ tăng lên khi vận động và giảm xuống khi nghỉ ngơi. Sau đó bệnh nhân bị phù chân, gân xanh đỏ nổi dưới da hoặc có thể loét ở cổ chân.
|