Trang chủ / Tài liệu chuyên môn

ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC

26/11/2024 (GMT+7)

Nguồn: Cảnh giác dược.org.vn

Người tổng hợp: Ds. Nguyễn Văn Hưng 

   Cảnh báo nhắc lại về nguy cơ gặp biến cố bất lợi trên tâm thần kinh khi sử dụng montelukast: Thông tin từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA)

   Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:

- Cảnh báo về nguy cơ gặp biến cố trên tâm thần kinh trong thông tin sản phẩm của các thuốc chứa montelukast ở Vương quốc Anh sẽ được cập nhật thêm viền màu đen để nhấn mạnh hơn.

- Bác sĩ cần cảnh báo biến cố tâm thần kinh trên tất cả bệnh nhân sử dụng montelukast. Đã có báo cáo ghi nhận biến cố bất lợi trên cả người lớn, trẻ vị thành niên và trẻ em.

- Ngừng sử dụng montelukast nếu bệnh nhân có xuất hiện hoặc tái phát triệu chứng của biến cố tâm thần kinh.

- Khuyến khích bệnh nhân và người chăm sóc đọc kỹ danh sách các biến cố tâm thần kinh trong thông tin sản phẩm và đi khám ngay nếu xuất hiện triệu chứng của các biến cố này.

 Ngày 29/04/2024, MHRA đã nhắc lại cảnh báo về nguy cơ gặp biến cố bất lợi trên tâm thần kinh khi sử dụng montelukast trên tất cả bệnh nhân, bao gồm cả trẻ em và trẻ vị thành niên.Kể từ khi được cấp phép tại Anh vào năm 1998, MHRA đã nhận được 1223 báo cáo biến cố bất lợi trên tâm thần kinh nghi ngờ liên quan đếnmontelukast. Các biến cố được báo cáo phổ biến nhất ở mọi lứa tuổi bao gồm rối loạn giấc ngủ, ảo giác, lo lắng, trầm cảm,thay đổi hành vi và tâm trạng. Biến cố thường gặp nhất ở trẻ nhỏ (từ 12 tuổi trở xuống) là hành vi hung hăng, gặp ác mộng, và lo lắng, trong khi ở trẻ lớn hơn (từ 13 đến 17 tuổi), biến cố thường được báo cáo là lo lắng, ý định tự tử, và trầm cảm.

Tại Anh, thông tin về biến cố tâm thần kinh đã được đưa vào thông tin sản phẩm của các thuốc chứa montelukast vào năm 2008 và cảnh báo chi tiết được bổ sung vào năm 2019. Các biến cố này bao gồm:

- Rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, và kích thích, có thể kèm hành vi hung hăng (tần suất < 1/100);

- Rối loạn chú ý hoặc trí nhớ (tần suất < 1/1.000);

- Ảo giác, hoặc suy nghĩ và hành vi tự tử (tần suất < 1/10.000).

   Tháng 09/2019, trong Bản tin Drug Safety Update, MHRA cũng nhắc lại cho nhân viên y tế và bệnh nhân về nguy cơ gặp biến cố tâm thần kinh liên quan đến montelukast.

 Sau khi triển khai các biện pháp trên, MHRA tiếp tục nhận được các báo cáo biến cố bất lợi trên tâm thần kinh cũng như các câu hỏi đến từ bệnh nhân và người chăm sóc liên quan đến montelukast. Do đó, MHRA đã tiến hành đánh giá bằng chứng mới, cân nhắc các vấn đề của bệnh nhân và người chăm sóc, đồng thời, xin tư vấn lâm sàng độc lập từ các bác sĩ nhi khoa, sức khoẻ tâm thần, hô hấp và chuyên gia về an toàn thuốc của Ủy ban Thuốc sử dụng trên người.

   Kết quả đánh giá dữ liệu báo cáo biến cố bất lợi cho thấy, có khả năng có sự thiếu nhận thức ở cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người chăm sóc về nguy cơ gặp biến cố tâm thần kinh khi sử dụng montelukast. Dựa trên những bằng chứng hiện có, nhóm tư vấn Cảnh giác Dược (PEAG) cho rằng nên ngừng sử dụng montelukast ngay khi có triệu chứng do đặc thù của các biến cố này và việc ngừng thuốc kịp thời có thể giúp ngăn chặn triệu chứng trở nặng hơn.

 Để nâng cao nhận thức về nguy cơ gặp biến cố trên tâm thần kinh khi sử dụng montelukast, sắp tới, cảnh báo về biến cố này trong thông tin sản phẩm tại Anh sẽ được đóng khung để nhấn mạnh, đồng thời, cập nhật các bằng chứng mới nhất hiện có. Nhân viên y tế và bệnh nhân cần nắm được các thông tin này.

   Thận trọng khi sử dụng các thuốc có nguy cơ cao: Thông tin từ Cơ quan Y tế Quốc gia Pháp (HAS)

   HAS đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ sai sót khi sử dụng các thuốc có nguy cơ cao, bao gồm: (1) Sai sót quá liều tramadol trên bệnh nhi gây suy hô hấp cấp; (2) Sai sót trong quản lý thuốc giãn cơ gây ngừng hô hấp; (3) Sai sót quá liều methotrexat dẫn đến tử vong.

   Ca lâm sàng 1: Quá liều tramadol trên bệnh nhi gây suy hô hấp cấp

   Một bệnh nhi 8 tuổi đã phải cấp cứu do suy hô hấp tại khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình sau phẫu thuật nối xương do gãy xương bàn tay. Nguyên nhân được xác địnhdo bác sĩ thực tập đã kê đơn tramadol, với liều cao gấp 5-10 lần liều tối đa cho phép của tramadol trên bệnh nhân nhi để giảm đau, sau khi bệnh nhi này không đáp ứng với các thuốc giảm đau ban đầu.

 Trên thực tế, bệnh nhi được nhập viện điều trị tại khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình dành cho người lớn. Tại khoa hiện chưa có các quy định về liều lượng và cách sử dụng thuốc dành cho trẻ em. Đồng thời, các cán bộ nhân viên y tế không quen thuộc với việc kê đơn và sử dụng thuốc cho trẻ em cũng như các công thức tính toán cho đối tượng bệnh nhân này. Do đó, bác sĩ thực tập đã kê đơn tramadol đường uống mà không kiểm tra liều lượng. Điều dưỡng không kiểm tra kỹ liều lượng đối với trường hợp sử dụng thuốc bất thường này trong khoa. Ngoài ra, khoa chưa xây dựng phác đồ điều trị giảm đau trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật. Điều dưỡng đã ngắt lời bác sĩ thực tập khi họ đang thông báo về trường hợp ca bệnh do ngày xảy ra sai sót là cuối tuần, các nhân viên đều căng thẳng, bận rộn trong khi người nhà bệnh nhân lo lắng vì cơ đau của bệnh nhi.

   Ca lâm sàng 2: Sai sót trong quản lý thuốc giãn cơ gây ngừng hô hấp

   Một bệnh nhân nữ 40 tuổi vào viện để nội soi đại tràng có gây mê toàn thân. Bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức sau khi kết thúc thủ thuật và được điều dưỡng tiêm thuốc chống co thắt (trimebutin). Ngay lập tức, bệnh nhân ngừng hô hấp, phải can thiệp đặt nội khí quản, dùng thuốc an thần và chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt.

   Trên thực tế, điều dưỡng đã sử dụng thuốc phong bế thần kinh - cơ (cisatracurium) thay vì thuốc chống co thắt (trimebutin). Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự nằm ở việc lưu trữ thuốc giãn cơ. Cụ thể như sau: 

- Các chế phẩm y tế được bảo quản trong tủ lạnh theo thứ tự bảng chữ cái, nhưng không có sự phân biệt trên tên quốc tế (INN) với các thuốc có nguy cơ cao như phong bế thần kinh - cơ (cisatracurium);

- Thuốc phong bế thần kinh - cơ (cisatracurium) không được bảo quản riêng biệt. Các thuốc này được đặt cạnh thuốc chống co thắt; 

- Khi bảo quản trong tủ lạnh, bao bì bên ngoài của các thuốc đã bị loại bỏ, dẫn đến không thể phân biệt rõ ràng thông tin về tên INN, liều lượng, dạng bào chế và đường dùng;

- Ánh sáng trong tủ lạnh không tốt dẫn đến việc nhận dạng trực quan các thuốc không chính xác.

Bên cạnh đó, sai sót xảy ra còn do điều dưỡng không kiểm tra tên thuốc trước khi tiêm. Trong trường hợp này, điều dưỡng đã làm việc 2 đêm trước đó và ngày xảy ra sai sót là ngày cuối cùng điều dưỡng này làm việc tại bộ phận.

   Ca lâm sàng 3: Tử vong do quá liều methotrexat

   Một bệnh nhân nữ 80 tuổi ở dưỡng lão và có sử dụng methotrexat. Sau khi có biểu hiện giảm tiểu cầu và thiếu máu, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện và tử vong sau đó. Nguyên nhân trực tiếp được xác định do điều dưỡng đã cho bệnh nhân sử dụng methotrexat với liều 1 viên/ngày trong 8 ngày liên tiếp, trong khi liều được chỉ định là 1 viên/tuần. Tuy nhiên, sai sót gây ra do các nguyên nhân gián tiếp sau đây:

- Nhân viên y tế lựa chọn thuốc những không tham khảo các hướng dẫn điều trị quốc gia, dẫn đến thiếu các thông tin cảnh báo;

- Thiếu dược sĩ duyệt đơn thuốc;

- Không xem xét đơn thuốc định kỳ của bác sĩ;

- Nhân viên y tế không đọc danh mục thuốc nguy cơ cao hoặc các bản tin về cảnh báo về liều methotrexat ở bệnh viện.

- Điều dưỡng không kiểm tra lại khi chuẩn bị thuốc hoặc khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Quy trình chuẩn bị/ sử dụng các thuốc nguy cơ cao dù có sẵn nhưng không được điều dưỡng tuân thủ khi chuẩn bị/sử dụng thuốc cho bệnh nhân trên.

- Không tuân thủ thông tin sản phẩm của thuốc mặc dù đã có thông tin tích hợp trong bệnh án điện tử.

   Các phân tích về các phản ứng có hại nghiêm trọng từ cơ sở dữ liệuREX-EIGS cho thấy có khoảng 250 sai sót về thuốc, trong đó 75% các phản ứng có liên quan đến các thuốc có nguy cơ cao. Sai sót liên quan đến sử dụng sai thuốc không xảy ra phổ biến nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. Vì vậy, cần có các biện pháp để sử dụng các thuốc này an toàn hơn.

   Giải pháp chung nhằm giảm thiểu sai sót khi sử dụng các thuốc có nguy cơ cao:

- Xác định các thuốc có nguy cơ cao, đặc biệt là tương ứng theo thuốc của từng chuyên khoa, để các nhân viên y tế có thể nhận biết và xác định các thuốc có nguy cơ cao;

- Triển khai các biện pháp an toàn theo từng bước để ngăn chặn sai sót: xây dựng quy định kê đơn, cấp phát, điều trị và bảo quản các thuốc có nguy cơ cao; đưa ra các Hướng dẫn thực hành tốt các thuốc nguy cơ cao.

   Cập nhật thông tin sản phẩm của thuốc tiêm chứa promethazin hydroclorid: Thông tin từ Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (US.FDA)

   Ngày 27/12/2023, US.FDA cảnh báo cho nhân viên y tế về việc cập nhật thông tin sản phẩm thuốc tiêm chứa promethazin hydroclorid, nhằm giảm thiểu nguy cơ kích ứng và tổn thương mô nghiêm trọng khi sử dụng đường tĩnh mạch.

 US.FDA khuyến cáo nhân viên y tế tiêm bắp sâu promethazin hydrochlorid thay vì sử dụng đường tĩnh mạch. Trong trường hợp cần phải sử dụng đường tĩnh mạch, nhân viên y tế cần tham khảo cách pha loãng và truyền promethazin hydrochlorid trong thông tin sản phẩm để giảm thiểu nguy cơ tổn thương mô nghiêm trọng.

   US.FDA đã yêu cầu các nhà sản xuất cập nhật thông tin sản phẩm của thuốc tiêm chứa promethazinhydrochlorid để bổ sung các thông tin an toàn mới sau:

* Trong trường hợp không thể tiêm bắp promethazin hydroclorid:

- Có thể sử dụng đường tĩnh mạch và chỉ thực hiện sau khi đã pha loãng theo khuyến cáo. Chỉ truyền qua catheter tĩnh mạch lớn (tối ưu là qua catheter tĩnh mạch trung tâm).

- Không truyền qua catheter tĩnh mạch ở mu bàn tay hoặc cổ tay.

- Không truyền cùng các thuốc khác, hoặc pha loãng với dung dịch khác ngoài natri clorid 0,9%.

- Chống chỉ định tiêm tĩnh mạch với nồng độ lớn hơn 1 mg/ml.

* Khi pha loãng và truyềnpromethazin hydroclorid đường tĩnh mạch, thời gian truyền từ 20 đến 40 phút. Nhân viên y tế cần tham khảo cách pha loãng và truyền cho bệnh nhân người lớn và trẻ em trong Bảng 1 và Bảng 2 dưới đây:

Bảng 1. Cách pha loãng và truyền promethazin hydroclorid đường tĩnh mạch cho bệnh nhân người lớn

Bảng 2. Cách pha loãng và truyền promethazin hydroclorid đường tĩnh mạch cho bệnh nhân trẻ em

   Nguy cơ ứ mật trong gan thai kỳ khi sử dụng dẫn chất thiopurin: Thông tin từ US.FDA

   Ngày 29/04/2024, US.FDA cảnh báo cho nhân viên y tế về nguy cơ ứ mật trong gan thai kỳ (intrahepatic cholestasis of pregnancy - ICP) hiếm gặp khi sử dụng dẫn chất thiopurin (azathioprin, 6-mercaptopurin và6-thioguanin).

   US.FDA ghi nhận một số báo cáo về phụ nữ có thai gặp tình trạng ứ mật trong thai kỳ khi sử dụng azathioprin hoặc 6-mercaptopurin để điều trị bệnh viêm ruột (bao gồm bệnh Crohn và viêm đại tràng thể loét) hoặc lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Dẫn chất thiopurin không được US.FDA phê duyệt để điều trị những bệnh trên, tuy nhiên, theo hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ và Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ, azathioprin hoặc 6-mercaptopurin có thể sử dụng để điều trị một số bệnh miễn dịch trong thai kỳ.

   US.FDA yêu cầu các nhà sản xuất cập nhật thông tin sản phẩm của thuốc chứa dẫn chất thiopurin bổ sung cảnh báo về nguy cơ ứ mật trong thai kỳ. Tất cả các thuốc chứa azathioprin, 6-mercaptopurin, và 6-thioguanin cần bổ sung vào thông tin sản phẩm các thông tin sau:

- Đã ghi nhận các báo cáo hậu mại về ứ mật trong gan thai kỳ trên phụ nữ có thai sử dụng dẫn chất thiopurin.

- Triệu chứng của ứ mật trong gan thai kỳ và tình trạng tăng acid mật được cải thiện sau khi ngừng azathioprin.

- Phụ nữ có thai nên ngừng sử dụng dẫn chất thiopurin trong trường hợp gặp tình trạng ứ mật trong gan thai kỳ.

   Cập nhật thông tin sản phẩm của thuốc chủ vận thụ thể GLP-1: Thông tin từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA)

   Ngày 12/07/2024, Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác Dược (PRAC) của EMA đã đưa ra khuyến cáo về việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu nguy cơ hít sặc và viêm phổi do hít sặc dịch dạ dày trong gây mê toàn thân và an thần sâu khi sử dụng thuốc chủ vận thụ thể GLP-1.

   Hít sặc và viêm phổi do hít sặc có thể do thức ăn hoặc chất lỏng vô tình đi vào đường khí quản thay vì đường thực quản; một số trường hợp do dịch dạ dày trào ngược lên cổ họng. Đây là hai biến chứng trong thủ thuật gây mê toàn thân, với tần suất gặp biến chứng lần lượt là 1/900 và 1/10.000 ca phẫu thuật, tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ của bệnh nhân.

   Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 làm chậm tốc độ tháo rỗng dạ dày, có thể làm tăng nguy cơ hít sặc trong gây mê toàn thân và an thần sâu. Tác dụng làm chậm tốc độ tháo rỗng dạ dày đã được đề cập trong thông tin sản phẩm của các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 sau đây: dulaglutid, exenatid,liraglutid, lixisenatid, semaglutid và tirzepatid.

   PRAC đã rà soát dữ liệu bao gồm các báo cáo ca, y văn, dữ liệu lâm sàng và phi lâm sàng từ nhà sản xuất. Ủy ban không xác định được mối quan hệ nhân quả giữa biến cố hít sặc và sử dụng thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, tuy nhiên, tác dụng làm chậm tốc độ tháo rỗng dạ dày đã được ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng và báo cáo hậu mại. Vì vậy, PRAC đưa ra cảnh báo cho nhân viên y tế về hậu quả tiềm tàng của tác dụng không mong muốn này.

PRAC khuyến cáo nhân viên y tế cần cân nhắc nguy cơ tồn đọng dịch dạ dày do tác dụng làm chậm tốc độ tháo rỗng trước khi thực hiện thủ thuật gây mê toàn thân hoặc an thần sâu. Thông tin sản phẩm của các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 sẽ được cập nhật thêm cảnh báo dành cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về việc sử dụng thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 trước khi phẫu thuật có gây mê toàn thân hoặc an thần sâu.

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tài liệu chuyên môn
Bài viết mới nhất
11/12/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
THƯ NGỎ: Về việc kêu gọi gây quỹ tài trợ vì bệnh nhân nghèo năm 2025
11/12/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 10/12/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo khoa học “Lọc máu hấp phụ” năm 2024. Hội thảo được tổ chức với mục đích kết nối, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các thầy thuốc về chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai.
28/11/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Sáng ngày 26/11/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khóa đào tạo “Kỹ năng lập kế hoạch, giám sát, đánh giá”.
19/11/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Từ ngày 18/11/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến tại Bệnh viện thông qua Tổng đài đăng ký khám bệnh trực tuyến, Website Bệnh viện và Tài khoản Zalo OA Bệnh viện.
18/11/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
 Nhằm tạo thúc đẩy Đội ngũ Điều dưỡng, Kỹ thuật viên tại Bệnh viện học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng tay nghề và thái độ làm việc hướng tới sự chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội thi kỹ năng tay nghề Điều dưỡng, KTV năm 2024 với 2 vòng thi lý thuyết và thực hành chạy trạm 5 quy trình kỹ thuật chăm sóc, cấp cứu cơ bản.
Tin đã đăng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
 Địa chỉ : 225 - Nguyễn Lương Bằng -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(03203)890 205
Email: benhviendakhoatinhhaiduong@gmail.com
logo.png ® BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
Hết lòng phục vụ người bệnh và hành động vì sức khỏe cộng đồng


BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG giữ bản quyền nội dung cho website này. Nghiêm cấm mọi sao chép bài viết mà không được sự đồng ý của tác giả.