I. ĐẠI CƯƠNG
Lao phổi là bệnh lý do trực khuẩn Mycobacterium Tubeculosis gây ra. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận trên cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao xương khớp, lao ruột…trong đó lao phổi là thường gặp nhất (chiếm 80- 85%) và là nguồn lây chính cho những người xung quanh [1].
Tổ chức y tế thế giới ước tính mỗi năm có 9 triệu người mắc lao trong đó có 3 triệu người không được phát hiện và điều trị y tế.
Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới [2]
Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện.
Số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể). Như vậy, sẽ có >40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng [3]
II. CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
Ho kéo dài trên 02 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra có thể có các biểu hiện:
- Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi;
- Sốt nhẹ về chiều, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân trên 02 tuần;
- Ra mồ hôi đêm;
- Đau ngực, đôi khi khó thở.
2. Hình ảnh Xquang ngực
- Tổn thương hay gặp ở phân thùy 1, 2 của thùy trên và phân thùy 6 của thùy dưới. Trong thực hành vị trí 1/3 trên của phổi là những vị trí hay gặp tổn thương lao. Các hình thái tổn thương thường gặp là:
+ Đông đặc nhu mô phổi: thường là đông đặc một vài phân thùy tại các vị trí khác nhau, vùng phổi đông đặc thường không đồng nhất, hay đi kèm các đường mờ (xơ).
+ Hang: là tổn thương hay gặp, số lượng có thể nhiều hay duy nhất một hang, kích thước hang có thể to, nhỏ, thành dày, mỏng khác nhau nhưng thành bên trong của hang luôn nhẵn đều, hang rỗng.
+ Tràn dịch màng phổi: số lượng dịch có thể nhiều, ít. Dịch hay gặp một bên nhưng có thể hai bên. Dịch tự do hay khu trú.
- Các tổn thương hiếm gặp hơn gồm:
+ Nốt: hình thái tổn thương này có thể gặp nốt nhỏ, dạng kê lan tỏa hai phổi, u lao dưới dạng 1 nốt. Hình thái phổ biến hơn cả của nốt là các nốt có bờ viền mờ to hơn nốt kê (nốt phế nang), các nốt này thường kết dính thành từng đám, hình thành các ổ đông đặc.
+ Xẹp phổi: xẹp phổi do tổn thương đường thở (lao đường thở) hay xẹp do xơ sẹo (co kéo). Xẹp thường ở thùy trên, cá biệt có thể gây xẹp một phổi.
3. Các kỹ thuật vi sinh
- Nhuộm soi trực tiếp tìm AFB: kỹ thuật nhuộm Ziehl-Neelsen; kỹ thuật nhuộm huỳnh quang sử dụng kính hiển vi đèn LED.
- Kỹ thuật sinh học phân tử (SHPT) phát hiện lao nhanh, gồm:
+ Xét nghiệm phát hiện lao đồng thời phát hiện tính kháng thuốc: Xpert MTB/RIF; Xpert MTB/RIF Ultra; Truenat (bao gồm MTB plus và MTB-RIF Dx); các kỹ thuật khuếch đại acid nucleic (NAAT) có độ phức tạp vừa.
+ Xét nghiệm phát hiện lao (không phát hiện tính kháng thuốc): TB LAMP, TRC Ready.
- MTB kháng nguyên test nhanh LF-LAM: hỗ trợ phát hiện lao trên người nhiễm HIV/AIDS
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao: ưu tiên nuôi cấy trên môi trường lỏng (BACTEC MGIT)
III. CA LÂM SÀNG
Bệnh nhân nam 17 tuổi vào viện vì ho khan.
Tiền sử:
- Không mắc các bệnh lý mãn tính.
- Không có tiền sử tiếp xúc đặc biệt với khói bụi, hóa chất.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Gia đình và những người xung quanh không ai mắc lao.
Bệnh sử:
Một tháng trước khi vào viện bệnh nhân xuất hiện ho khan, ho liên tục tăng dần. Bệnh nhân không sốt, không đau ngực, không khó thở, không gầy sút cân, đã tự điều trị thuốc ở nhà (Augmentin 2g/ngày x 10 ngày) nhưng không đỡ=> vào viện.
Khám lâm sàng:
- Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thể trạng trung bình.
- Không phù, không xuất huyết dưới da.
- Tuyến giáp không to.
- Hạch ngoại vi không sờ thấy.
- Tim đều, T1, T2 rõ. Không có tiếng tim bệnh lý.
- Phổi rì rào phế nang rõ. Ít rale nổ hai bên.
- Bụng mềm, không chướng.
- Các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.
Cận lâm sàng:
- Công thức máu HC 5.45T/l, BC 23.55G/l, NEU 84%, LYM 8.9%, TC 505G/l.
- Khí máu: pH 7.45, pO2 209mmHg, pCO2 31mmHg, SO2 100%.
- AFB trực tiếp nhuộm Ziehl- Neelsen (đờm) 3 lần: âm tính.
- Nội soi phế quản: Viêm xung huyết niêm mạc thùy trên phổi trái, dễ chảy máu. Dịch đục trong lòng phế quản hai bên.
- AFB trực tiếp nhuộm Ziehl- Neelsen (dịch phế quản): dương tính.


(Hình ảnh Xquang và Cắt lớp vi tính ngực của bệnh nhân)
Bệnh nhân được chẩn đoán là: lao phổi và được chuyển bệnh viện phổi Hải Dương điều trị.
IV. BÀN LUẬN
Lao phổi là một bệnh hô hấp dễ lây lan trong cộng đồng. Những biểu hiện điển hình của bệnh lao phổi gồm:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu).
- Đau ngực.
- Sốt nhẹ, gai rét về chiều, đổ mồ hôi trộm về đêm.
- Chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp bệnh diễn biến một cách âm thầm, ít triệu chứng giống ca lâm sàng vừa báo cáo. Khi đó bệnh nhân cần được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán bệnh. Hiện nay Khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã triển khai được Kỹ thuật nội soi phế quản ồng mềm dưới gây mê, giúp khảo sát được các tổn thương trong lòng phế quản, cũng như lấy dịch phế quản làm xét nghiệm tìm vi khuẩn,vi nấm và phát hiện bệnh lao một cách chính xác, hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y Tế, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. 2024.
2. WHO, Global Tuberculosis Report 2023. 2023.
3. Trần Ngọc Dung, Nguyễn Hữu Thành, and v. CS, Tỷ lệ mắc và dịch tễ lao mới tại Đồng Tháp năm 2020. tạp chí y học Việt Nam, 2023.
Khoa Nội 2 – BVĐK tỉnh Hải Dương