Trang chủ / Tài liệu chuyên môn

BỆNH Ù TAI, ĐIẾC ĐỘT NGỘT

05/06/2023 (GMT+7)
Điếc đột ngột thường được hiểu là một bệnh cảnh điếc thần kinh giác quan xảy ra một cách đột ngột trên những bệnh nhân không có tiền sử suy giảm sức nghe.

1.   ĐỊNH NGHĨA

Điếc đột ngột thường được hiểu là một bệnh cảnh điếc thần kinh giác quan xảy ra một cách đột ngột trên những bệnh nhân không có tiền sử suy giảm sức nghe.

Điếc đột ngột là một cấp cứu tai mũi họng. Bệnh có thể diễn biến trong vòng vài giờ đến vài ngày. Mức độ điếc và tính chất rất khác nhau, điếc có thể xẩy ra một bên tai hoặc cả hai tai, mức độ từ nghe kém nhẹ đến điếc nặng hoàn toàn. Tiến triển đôi khi có thể trở lại bình thường hoặc gần bình thường, nhưng hầu hết là điếc không hồi phục nếu không được điều trị kịp thời.

2.   NGUYÊN NHÂN

Một số nguyên nhân hay các yếu tố thuận lợi như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, nghiện rượu, tình trạng mệt mỏi, stress, mang thai… Một số nguyên nhân được biết đến là:

-     Nguyên nhân do siêu vi trùng: virus gây quai bị, zona, sởi, cúm.

Tình trạng nhiễm khuẩn đường thở trên cấp tính, có đến 25 % người bệnh có thể bị điếc đột ngột, nguyên nhân có thể là do viêm nhiễm mê nhĩ – nội dịch do virus.

-     Do tiếng ồn: điếc gây ra do tiếp xúc với tiếng ồn trong một thời gian dài thì diễn ra từ từ, bệnh nhân khó nhận biết, bệnh nhân sẽ nghe kém dần dần. Điếc đột ngột do tiếng ồn là điếc xẩy ra ngay lập tức sau khi nghe tiếng ồn, một âm thanh quá to trong một khoảnh khắc hoặc một khoảng thời gian nhất định.

-     Sự thay đổi áp lực đột ngột có thể gây ra điếc tức thì.

-     U dây VIII: khoảng từ 1-15% bệnh nhân bị u dây VIII có triệu chứng đầu tiên là điếc đột ngột.

-     Rò ngoại dịch: các tác nhân gây dò ngoại dịch như chấn thương khí áp, chấn thương ốc tai… có thể dẫn đến điếc đột ngột.

-     Các nguyên nhân mạch máu: co thắt mạch máu, huyết khối, xuất huyết tai trong, quá kết dính, lắng cặn…

-    Điếc tự miễn: điếc tiếp nhận không đối xứng ở hai tai, khởi phát và diễn biến xấu đi trong vòng vài tuần, có thể kèm theo liệt mặt ngoại biên, xét nghiệm miễn dịch và chẩn đoán điếc tự miễn dịch.

3.   ĐIỀU TRỊ

Điều trị: tùy theo nguyên nhân. Trước hết xác định vị trí tổn thương là ốc tai hay sau ốc tai.

Điều trị theo nguyên nhân:

-     Nguyên nhân co thắt mạch máu.

-     Nguyên nhân tăng áp lực nội dịch tai trong.

-     Nguyên nhân dò dịch mê đạo.

Phác đồ điều trị: điếc đột ngột ở người trưởng thành, chưa rõ nguyên nhân (không có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, u dây thần kinh…), điều trị từ 7-10 ngày.

-      Nhóm chống co thắt vi mạch: piracetam truyền tĩnh mạch:

+     Piracetam 1g x 3-4 ống.

+     Ringer lactat hoặc Gluco 5% 500ml truyền tĩnh mạch chậm 40 giọt/phút.

-     Thuốc tăng cường tuần hoàn não: Tanakan.

-     Nhóm corticoid: Solumedrol 40mg x 1 lọ tiêm tĩnh mạch.

-     Nhóm chống dị ứng, kháng histamine:

+     Betaserc 24mg x 2 viên uống sáng/chiều.

+     Telfast 180mg x 1 viên uống sau ăn.

-     Vitamin nhóm B: Vitamin 3B x 2 viên uống sáng, chiều.

-    Tăng oxy: Tanakan x 4 viên uống sáng, chiều.

-     Kháng sinh và thuốc chống viêm nếu cần.

-     Hạn chế vận động.

4. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

Điếc đột ngột thực sự là một cấp cứu tai mũi họng, việc chẩn đoán và điều trị sớm có một tầm quan trọng đặc biệt, sức nghe có thể hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời, nếu để muộn thì để lại di chứng điếc vĩnh viễn.

Tiên lượng phụ thuộc các yếu tố sau:

- Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm dưới 7 ngày nhiều khả năng hồi phục hoàn toàn.

-  Bệnh nhân kèm theo các bệnh lý nội khoa kết hợp như cao huyết áp, tiểu đường..., việc kiểm soát tốt các bệnh lý này có vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân bị điếc đột ngột do siêu vi trùng như sau cúm, sốt cao kèm theo chóng mặt, sau quai bị tiên lượng thường khó hồi phục.

5.   MỘT SỐ LƯU Ý KHI  BỊ NGHE KÉM

5.1 Người bệnh cần làm gì khi phát hiện nghe kém đột ngột?

Ngay khi phát hiện nghe kém đột ngột, người bệnh cần đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, không nên tự điều trị. Khả năng hồi phục sức nghe phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là tuổi, có chóng mặt kèm theo hay không, mức độ nghe kém, hình dạng thính lực đồ, thời gian từ lúc xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị.

Điếc đột ngột nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến giảm sức nghe lâu dài, ảnh hưởng đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Trong một số trường hợp, điếc đột ngột còn là một trong các triệu chứng của tổn thương thần kinh nặng có thể dẫn đến tử vong như nhồi máu/xuất huyết thân não.

5.2. Những việc bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ làm đối với người bệnh

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh để biết nghe kém đột ngột ở một hay hai tai, lần đầu tiên hay tái phát nhiều lần, các triệu chứng tai kèm theo như ù tai, chóng mặt, triệu chứng thần kinh như đau đầu, buồn nôn, yếu tay chân, … và tiền sử bị các bệnh nội ngoại khoa như chấn thương sọ não, tăng huyết áp, tiểu đường, …

Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám tai để loại trừ các nguyên nhân gây nghe kém đột ngột ở tai ngoài và tai giữa như nút biểu bì, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa ứ dịch, khám tiền đình và thần kinh để phát hiện các tổn thương đi kèm.

Người bệnh sẽ được đo thính lực đơn âm để xác định có nghe kém hay không, loại nghe kém và mức độ nghe kém. Chẩn đoán điếc đột ngột khi kết quả đo thính lực cho thấy nghe kém tiếp nhận, mất từ 30 decibel trở lên ở ít nhất ba tần số liên tiếp. Do đa số trường hợp điếc đột ngột xảy ra ở một bên tai và ít khi người bệnh đã đo thính lực từ trước, vì thế mức độ giảm sức nghe sẽ được so sánh với tai bên đối diện.

Khi đã chẩn đoán điếc đột ngột thì bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh nhập viện điều trị. Tại khoa Tai Mũi Họng, người bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện những thăm dò chuyên sâu sau:

-  Đo thính lực lời: đánh giá khả năng nhận biết và hiểu lời nói. Đây là chỉ số rất quan trọng, giúp phân loại mức độ giảm khả năng giao tiếp bằng lời cũng như hồi phục sau điều trị. Bên cạnh đó, hình dạng của thính lực đồ lời giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân gây ra điếc đột ngột là ở tai trong hay chặng dẫn truyền từ dây thần kinh thính giác đến não.

-  Đo âm ốc tai (DPOAE): góp phần phân biệt nghe kém tại ốc tai hay sau ốc tai.

-  Ù đồ: xác định loại, tần số và cường độ tiếng ù.

-  Khám tiền đình: phát hiện rối loạn chức năng thăng bằng và chỉ định phương pháp điều trị và tập luyện phục hồi chức năng.

-  Xét nghiệm công thức máu, sinh hoá máu, tốc độ máu lắng, xét nghiệm miễn dịch khi cần (kháng thể tự miễn, kháng thể đặc hiệu).

-  Chụp cộng hưởng từ sọ não: nhằm phát hiện các tổn thương đặc biệt là khối u ở mê nhĩ, ống tai trong, góc cầu tiểu não. Nghiên cứu cho thấy khoảng 2-10% người bệnh điếc đột ngột có khối u góc cầu tiểu não.

5.3. Lời khuyên cho bệnh nhân điếc đột  ngột

Theo PGS.TS. Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng ngay khi đột ngột nghe kém. Chẩn đoán đúng và điều trị càng sớm thì cơ hội hồi phục sức nghe càng cao, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên từ khi xuất hiện nghe kém.

Sau khi kết thúc liệu trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi và khám lại, đo thính lực sau 1 tháng và 6 tháng để đánh giá mức độ hồi phục cũng như nhu cầu trợ thính. Tại Trung tâm thính học Việt Nhật của Khoa Tai Mũi Họng có đầy đủ các thiết bị trợ thính đường khí, đường xương, đáp ứng được yêu cầu phục hồi chức năng nghe đa dạng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần tránh tuyệt đối chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, …), chế độ ăn ngủ điều độ, tránh căng thẳng, hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn. Cần mang các thiết bị bảo vệ tai khi phải làm việc trong môi trường có âm thanh cường độ lớn.

Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh nội khoa như xơ vữa mạch máu, tiểu đường, tăng mỡ máu, … là yếu tố nguy cơ dẫn đến điếc đột ngột.

5.4. Phòng ngừa bệnh điếc đột ngột

Cách phòng ngừa bệnh điếc đột ngột đơn giản nhất là nghỉ ngơi, thư giản hợp lý. Bạn nên tránh thức khuya, làm việc quá sức, tránh tình trạng căng thẳng, stress hay có những xúc cảm quá mức (lo âu, buồn phiền, giận dữ…). Ngoài ra bạn nên:

-  Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ chất để tăng sức đề kháng của cơ thể.

-  Hạn chế các chất kích thích: rượu bia, thuốc lá, cà phê, thức ăn nhiều dầu mỡ…

-  Tránh tiếng ồn, những nơi có âm thanh lớn. Không nên đeo tai nghe thường xuyên. Nếu làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn thì phải có những biện pháp che chắn tai phù hợp.

-  Tránh gây tổn thương cho tai: không ngoáy tai, đưa vật lạ vào tai.

-  Không thay đổi áp lực trong tai đột ngột. Ví dụ như không hỉ mũi quá mạnh, không thay đổi tư thế nhanh, không nên lặn nếu không có đầy đủ thiết bị bảo hộ

Nếu có bệnh lý nội khoa: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch… cần uống thuốc đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tình trạng ù tai, nghe kém khởi phát từ vài giờ đến vài ngày. Có khoảng 80 % có cơ hội tự phục hồi hoàn toàn. Điếc đột ngột do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng thường nhất là vô căn. Khi bị nghe kém đột ngột, bạn nên đến bệnh viện sớm để được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán điếc đột ngột cũng như loại trừ các nguyên nhân khác. Bệnh điếc đột ngột khi được điều trị sớm sẽ có nhiều khả năng phục hồi sức nghe hơn.

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tài liệu chuyên môn
Bài viết mới nhất
26/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Thư mời chào giá dịch vụ "Quan trắc, đánh giá môi trường lao động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương năm 2024"
21/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 20/03/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức Họp hội đồng người bệnh cấp Bệnh viện với thành phần tham dự bao gồm: TS.BS Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện; Phòng Công tác xã hội; Phòng Điều Dưỡng; Phòng Kế hoạch tổng hợp; Điều dưỡng trưởng các Khoa lâm sàng và 50 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là đại diện của các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện.
07/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 06/3/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chính thức ký kết hợp tác chuyên môn toàn diện năm 2024
04/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá các vị thuốc Y học cổ truyền, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu về việc xem xét đề xuất phương án cung ứng các bị thuốc Y học cổ truyền sử dụng trong khám chữa bệnh.
19/02/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Sáng 15/02/2024, Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức Chương trình chúc Tết cán bộ, viên chức, người lao động nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Tin đã đăng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
 Địa chỉ : 225 - Nguyễn Lương Bằng -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(03203)890 205
Email: benhviendakhoatinhhaiduong@gmail.com
logo.png ® BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
Hết lòng phục vụ người bệnh và hành động vì sức khỏe cộng đồng


BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG giữ bản quyền nội dung cho website này. Nghiêm cấm mọi sao chép bài viết mà không được sự đồng ý của tác giả.