Yếu tố nguy cơ
Tuổi: Độ tuổi phổ biến thường xuất hiện khối u mô đệm đường tiêu hóa là từ 50-80 tuổi. Mặc dù khối u mô đệm đường tiêu hóa hoàn toàn có thể gặp ở những người dưới 40 tuổi, nhưng rất hiếm.
Gen: Đa số các khối u mô đệm đường tiêu hóa thường xảy ra một cách ngẫu nhiên và không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, một số người có các bất thường về gen bẩm sinh có thể dẫn đến các khối u mô đệm đường tiêu hóa.
Di truyền: Hội chứng này thường có nguyên nhân là do bất thường về gen KIT, di truyền từ cha mẹ cho con cái. Đây là một tình trạng hiếm gặp có thể làm tăng nguy cơ mắc các khối u mô đệm đường tiêu hóa. Ở những thế hệ sau trong gia đình, khối u mô đệm đường tiêu hóa có thể sẽ xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn. Những người mắc phải tình trạng này có thể sẽ phát triển rất nhiều khối u mô đệm đường tiêu hóa trong suốt cả cuộc đời.
Nguyên nhân chính xác của các khối u mô đệm đường tiêu hóa hiện chưa được biết rõ, mặc dù những khối u này có liên quan đến các yếu tố nguy cơ được nhắc đến như độ tuổi, giới tính, di truyền, lối sống sinh hoạt...
Các khối u ung thư thường sẽ phát triển khi các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Khi tế bào tiếp tục phát triển một cách không thể kiểm soát được, chúng sẽ dẫn đến việc hình thành một khối gọi là khối u. Khối u mô đệm đường tiêu hóa khởi phát tại đường tiêu hóa và có thể phát triển, gây ảnh hưởng đến các cơ quan, hoặc cấu trúc gần đó. Khối u cũng có thể lan sang các hạch bạch huyết và các cơ quan khác ở xa hơn trong cơ thể.
Triệu chứng
Triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước khối u cũng như vị trí mà khối u phát triển. Vì lý do này, triệu chứng thường có mức độ nghiêm trọng rất khác nhau giữa mọi người.
Một số triệu chứng phổ biến thường gặp bao gồm:
Có máu trong phân
Đau hoặc khó chịu ở bụng
Buồn nôn và nôn mửa
Bất thường về cấu trúc đường ruột
Có khối u ở bụng mà bạn có thể sờ thấy được.
Mệt mỏi hoặc cảm thấy suy nhược
Đầy bụng sau khi mới ăn một lượng nhỏ thức ăn
Đau hoặc gặp khó khăn khi nuốt
Cận lâm sàng
Siêu âm: phát hiện dễ dàng, giúp phát hiện sớm trong cộng đồng vì tiện dụng và giá rẻ
CTScanner và MRI: chẩn đoán xác định, cũng như chẩn đoán phân biệt tìm di căn xa
Đặc điểm:
Thì không cản quang: khối dạng tròn đậm độ thấp,nằm dưới niêm mạc, có thể có nốt vôi tỉ trọng bên trong
Thì tiêm thuốc cản quang: tăng sinh mạch máu mạnh, thường không đồng nhất vì có xuất huyết, hoại tử, nang hoặc biến đổi nang
Lựa chọn điều trị
Có rất nhiều lựa chọn điều trị cho khối u mô đệm đường tiêu hóa. Một số phương pháp điều trị gần đây bao gồm:
Phẫu thuật: Phẫu thuật trong khối u mô đệm đường tiêu hóa bao gồm việc loại bỏ toàn bộ khối u và các mô xung quanh. Việc này sẽ đảm bảo được rằng không có tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể. Khi khối u mô đệm đường tiêu hóa chưa lan sang các phần khác của cơ thể, thì phẫu thuật là phương pháp điều trị chuẩn và nên được tiến hành nếu có thể.
Trị liệu đích: Trị liệu đích là phương pháp điều trị có thể nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư một cách chính xác hơn.
Chăm sóc giảm nhẹ: Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ là dự phòng và điều trị triệu chứng, cũng như các phản ứng không mong muốn của bệnh càng sớm càng tốt. Chăm sóc giảm nhẹ có thể bao gồm việc kiểm soát đau, tư vấn và nhiều loại can thiệp khác. Loại chăm sóc này thường được tiến hành bởi một nhóm các nhân viên y tế, dược sỹ, chuyên gia tâm lý…
Tiên lượng
Tỉ lệ sống sau 5 năm với GIST ác tính là 76%, GIST không di căn là 91% và GIST di căn là 46%
Tại khoa ngoại tiêu hóa bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình chêm điều trị GIST dạ dày, nội soi cắt GIST ruột non được tiến hành thường quy với đường mổ nhỏ, thẩm mỹ, hồi phục nhanh sau phẫu thuật, đảm bảo diện cắt an toàn và bệnh nhân được ra viện sớm
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị sớm những khối u, ung thư bất thường của đường tiêu hóa.