Loãng xương: Loãng xương nguyên phát gồm loãng xương sau mãn kinh và loãng xương tuổi già. Loãng xương sau mãn kinh gặp ở phụ nữ sau mãn kinh hoặc sau cắt bỏ buồng trứng 5 – 10 năm . Loãng xương tuổi già xuất hiện ở cả nam và nữ sau 70 tuổi. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ loãng xương trong dân số trên 50 tuổi vào khoảng 25 % nam giới và 30 % - 40 % nữ giới
Triệu chứng lâm sàng : Thông thường loãng xương không gây đau, không có biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân thường đi khám vì xuất hiện các biến chứng do bệnh quá nặng:
- Xẹp đốt sống
- Gãy xương ; Thường gặp đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu, xương cùng.
Chẩn đoán loãng xương :
Chẩn đoán bằng cách đo mật độ xương BMD : Sử dụng máy tia X năng lượng kép, được gọi là DEXA.
- Nếu T – Score < -2,5 : Chẩn đoán loãng xương
- T- score trong khoảng -1 đến -2,5 : Chẩn đoán thiểu xương
· Hiện nay phương pháp sử dụng máy phát tia X năng lượng kép đo mật độ xương được sử dụng rộng rãi tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương mang lại hiệu quả cao trong tầm soát và chẩn đoán bệnh. Một số cơ sở không có điều kiện sử dụng máy phát tia X năng lượng kép nên sử dụng máy siêu âm đo loãng xương quét gót chân để chẩn đoán. Phương pháp này chỉ có giá trị tầm soát, hiệu quả mang lại không cao
Khuyến cáo đo mật độ xương :
Theo Hiệp hội loãng xương Mỹ ( National Osteoporosis Foundaton) khuyến cáo cần đo mật độ xương cho những đối tượng sau đây:
1. Tất cả những phụ nữ mãn kinh, dưới 65 tuổi, và có một trong những yếu tố nguy cơ:
· Tiền sử gãy xương ở sau 30 tuổi.
· Có người thân (cha mẹ ruột, anh chị em ruột) từng bị gãy xương.
· Hút thuốc lá.
· Cân nặng thấp (<56 kg)
2. Tất cả phụ nữ 65 tuổi trở lên, bất kể có hay không có một yếu tố nguy cơ nào.
3. Phụ nữ sau mãn kinh với tiền sử gãy xương.
4. Phụ nữ đã từng được điều trị bằng liệu pháp thay thế hoóc-môn trong một thời gian dài (trên 10 năm).
5. Đàn ông 70 tuổi trở lên.
6 .Đàn ông từ 50-69 tuổi, có các yếu tố nguy cơ:
· Giảm năng tuyến sinh dục nam (Hypogonadism).
· Tăng glucocorticoid.
· Nghiện thuốc lá và rượu.
· Suy thận...
Điều trị loãng xương :
Nguyên tắc điều trị loãng xương bao gồm: chế độ vận động, sinh hoạt hợp lý; chế độ ăn bổ sung vitamin D (800 UI/ngày) và calci (800-1000 mg/ngày); loại trừ các yếu tố nguy cơ và kết hợp điều trị thuốc chống loãng xương. Phần lớn thuốc điều trị loãng xương cần uống cố định vào 1 ngày trong tuần hoặc trong tháng nên bệnh nhân thường quên dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc, ngoài ra sinh khả dụng đường uống thấp: 1- 3%; thuốc bị giảm hấp thu bởi thức ăn, đồ uống chứa sắt, calci. Thuốc còn có tác dụng phụ như gây hội chứng trào ngược dạ dày thực quản và hạn chế sử dụng trên bệnh nhân có bệnh lý dạ dày - thực quản trước đó. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Khoa Khám Chữa Bệnh Kỹ Thuật Cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương triển khai dịch vụ: "Điều trị loãng xương đường tĩnh mạch bằng thuốc Acid zoledronic- Aclasta” giúp giảm thiểu tối đa tác dụng phụ khi dùng đường uống, nâng cao hiệu quả của điều trị và mang đến sự tiện ích cho bênh nhân.
Điều trị loãng xương đường tĩnh mạch có ưu điểm nào?
Acid zoledronic - Aclasta có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ gãy xương hông, lún xẹp đốt sống; tăng mật độ chất khoáng của xương; phòng gãy xương tái phát sau gãy xương. Thuốc cũng giúp làm giảm đau cột sống trong trường hợp lún xẹp đốt sống do loãng xương. - Thời gian truyền thuốc chỉ mất khoảng 30 phút nhưng hiệu quả trong 12 tháng và được chỉ định dùng thuốc 1 lần/ năm. - Sử dụng cho bệnh nhân có chống chỉ định uống thuốc (bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh nhân không có khả năng đứng hoặc ngồi trong 30 phút,…) - Hạn chế việc quên thuốc, bỏ thuốc, uống thuốc không đúng cách. - Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan, người già trên 65 tuổi.
Các bước điều trị loãng xương đường tĩnh mạch - Trước điều trị: người bệnh được chuẩn bị đầy đủ các bước sau: + Xét nghiệm (bắt buộc) gồm: Công thức máu, CRP, máu lắng, nồng độ calci trong máu, độ thanh thải creatinine,, điện tâm đồ. + Nếu đủ điều kiện truyền thuốc, người bệnh được chỉ định nhập viện điều trị nội trú 2 ngày. + Người bệnh được giải thích hiệu quả, tác dụng của thuốc và tác dụng không mong muốn (đau cơ, sốt, nhức đầu, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nhịp tim như rung nhĩ,…), cách phòng và điều trị. - Trong điều trị: + Người bệnh được truyền thuốc loãng xương theo phác đồ. - Sau điều trị: + Bác sỹ dặn dò, bệnh nhân xuất viện, tiếp tục điều trị tại nhà. + Uống thuốc (calcium và vitamin D) liên tục và đúng liều theo đơn. + Sau mỗi năm điều trị, đo lại mật độ xương để đánh giá kết quả điều trị
* Hiện nay khoa Khám Chữa Bệnh Kỹ Thuật Cao Theo Yêu Cầu bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai rộng rãi phương pháp truyền Aclasta điều trị loãng xương tại khoa mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Với thời gian điều trị ngắn( thông thường 2 ngày), ít có tác dụng phụ, kết quả điều trị tốt, phương pháp điều trị loãng xương bằng phương pháp truyền Aclasta tĩnh mạch được coi là tối ưu trong việc điều trị loãng xương.