Trang chủ / Y học thường thức

HỘI CHỨNG BUỒNG TRỨNG ĐA NANG THEO QUAN ĐIỂM Y HỌC CỔ TRUYỀN

25/10/2023 (GMT+7)
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) là bệnh lý rối loạn nội tiết, phóng noãn thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi sinh sản với các triệu chứng đa dạng: rối loạn kinh nguyệt, cường androgen lâm sàng và cận lâm sàng, rối loạn chế tiết các hormon, có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm..[1]

I. Hội chứng buồng trứng đa nang theo Y học hiện đại

Theo nghiên cứu dịch tễ cho thấy PCOS là một bệnh lý rối loạn nội tiết và phóng noãn phổ biến, chiến khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Triệu chứng của PCOS rất đa dạng bao gồm: rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn biểu hiện bằng rối loạn kinh nguyệt và vô sinh, cường androgen trên lâm sàng và cận lâm sàng, rối loạn chế tiết các hormone, có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm..[2],[3]

1.Tiêu chuẩn chẩn đoán PCOS [4]

Năm 2003 Hiệp hội sinh sản người và phôi học Châu Âu đã thông nhất và đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán Hội chứng buồng trứng đa nang: khi bệnh nhân có ít nhất 2 trong 3 tiêu chuẩn sau đây:

Tiêu chuẩn 1: kinh thưa hoặc vô kinh

Kinh thưa: chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 35 ngày

Vô kinh: không có kinh trên 6 tháng

Tiêu chuẩn 2: cường androgen

Lâm sàng: rậm lông, trứng cá, béo phì

Cận lâm sàng: tăng testosterol toàn phần, tự do, tăng chỉ số androgen tự do, giảm SHBG (Hormon giới tính gắn với globulin)

Tiêu chuẩn 3: buồng trứng đa nang trên siêu âm

Có > 12 nang kích thích từ 2-9mm hoặc thể tích buồng trứng tăng 10 cm3

Thể hiện ít nhất ở một buồng trứng

Siêu âm thực hiện vào ngày thứ 2-5 của chu kỳ kinh nguyệt

2.Nguyên nhân gây PCOS

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu cũng như giả thiết về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của PCOS, song cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất chung cho vấn đề này. Quan điểm được nhắc tới nhiều nhất gần đây là:

Rối loạn chế tiết GnRH và hormon hướng sinh dục

Sự gia tăng nồng độ androgen kéo dài tại buồng trứng

Sự giảm nhạy cảm của buồng trứng với hormone hướng sinh dục

Béo phì và kháng insulin

Ngoài ra còn một số quan điểm khác như: viêm nhiễm, di truyền, thiếu vitamin D, căn nguyên tự miễn…

3.Các phương pháp điều trị PCOS [1][2][4]

Điều trị PCOS hiện nay chủ yếu là điều trị các triệu chứng do PCOS gây ra. Điều trị tận gốc hội chứng này không thể thực hiện được do cơ chế bệnh sinh chưa được hiểu rõ. Nhìn chung có thể chia bệnh nhân PCOS thành hai nhóm, nhóm có hiếm muộn và nhóm không hiếm muộn

3.1.Nhóm phụ nữ không muốn có thai

Điều chỉnh rối loạn kinh nguyệt bằng cách sử dụng progesteron hay viên tránh thai kết hợp dạng uống.

Sử dụng các thuốc kháng androgen như ciproterone acetate để làm giảm các triệu chứng này.

Hội chứng chuyển hóa bao gồm đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch là vấn đề khá phức tạp, thường điều trị phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực nội khoa

3.2.Với những bệnh nhân mong muốn sinh con

Vô sinh ở bệnh nhân PCOS chủ yếu do rối loạn hay không phóng noãn. Có nhiều chiến lược khác nhau đã được sử dụng để gây phóng noãn và điều trị vô sinh cho những bệnh nhân này như thay đổi lối sống, sử dụng các thuốc gây phóng noãn, đốt điểm buồng trứng và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Một số phương pháp điều trị thường dùng hiện nay:

+ Thay đổi lối sống: chế độ ăn giảm năng lượng và tăng hoạt động cơ thể được khuyến cáo ở những người bệnh béo phì với hy vọng cải thiện tình trạng phóng noãn tự nhiên.

 + Sử dụng các thuốc gây phóng noãn: clomiphene citrate là lựa chọn đầu tay, gonadotropin, chất ức chế men thơm hóa.

+ Thuốc tăng nhạy cảm insulin – metformin được sử dụng với mục đích phục hồi phóng noãn tự nhiên do tình trạng kháng insulin được cho là có vai trò gây không phóng noãn ở bệnh nhân PCOS.

+ Nội soi đốt điểm buồng trứng là lựa chọn thứ hai cho những bệnh nhân kháng clomiphen citrate, tuy nhiên có thể gặp các tai biến như chảy máu hay thủng tạng, dính và suy buồng trứng sớm sau mổ.

+ Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và trưởng thành trứng trong ống nghiệm.

II. Hội chứng buồng trứng đa nang theo Y học cổ truyền [5][6]

1.Về bệnh danh hội chứng buồng trứng đa nang

Trong y học cổ truyền (YHCT) không có bệnh danh hội chứng buồng trứng đa nang mà nó nằm trong nhiều chứng bệnh như kinh sau kỳ, bế kinh, vô sinh nữ…

2.Bệnh nguyên, bệnh cơ:

Có nhiều cách lý giải, nhiều cơ chế gây bệnh nhưng có một số nguyên nhân sau dẫn tới kinh nguyệt không đều, vô kinh, bế kinh, vô sinh…

2.1.Can thận hư

Bẩm tố thận tinh bất túc, hoặc tảo hôn, đẻ nhiều, phòng dục quá độ hoặc bệnh lâu ngày dẫn đến can thận hư tổn, tinh huyết thiếu, xung nhâm đều hư, huyết hải lâu đầy nên kinh nguyệt sau kỳ, thậm chí bế kinh hoặc vô sinh.

2.2.Đàm thấp trở trệ

Người vốn béo phì, đàm thấp nội thịnh hoặc ăn nhiều đồ bổ béo, ăn uống không điều độ làm tổn thương tỳ vị, thấp tụ đàm thịnh, ủng trệ xung nhâm, nên kinh nguyệt không điều, bế kinh hoặc vô sinh

2.3.Tỳ thận lưỡng hư

Tỳ thận bẩm tố bất túc hoặc hậu thiên không được nuôi dưỡng dẫn đến tỳ thận bất túc, tinh huyết hư suy, xung nhâm bất điều, huyết hải không đầy đủ nên kinh nguyệt sau kỳ, thậm chí bế kinh hoặc vô sinh.

2.4.Can uất hóa hỏa

Tình chí nội thương, can khí uất kết, sơ tiết thất thường, uất lâu hóa hỏa, khí huyết bất hòa, xung nhâm thất điều nên rối loạn kinh nguyệt, vô sinh.

3.Phương pháp điều trị: tùy theo thể bệnh mà có nhưng phép điều trị riêng

3.1.Can thận hư

Triệu chứng: Bắt đầu có kinh muộn, kinh nguyệt sau kỳ, lượng ít, dần dần bế kinh, hoặc âm đạo ra máu dầm dề không sạch, vô sinh, chóng mặt ù tai, đau lưng mỏi gối. Chất lưỡi hồng hoặc đỏ, ít rêu, mạch trầm tế hoặc trầm tế sác.

Pháp điều trị: tư bổ can thận, điều lý xung nhâm.

Phương dược: Nếu thiên về thận tinh hư hoặc thận khí hư thì dùng Ngũ tử diễn tông hoàn. Nếu thiên về thận âm hư dùng Ngũ tử diễn tông phối hợp Lục vị địa hoàng hoàn.

 3.2.Đàm thấp trở trệ

Triệu chứng: kinh nguyệt sau kỳ, lượng ít hoặc bế kinh, vô sinh, thể trạng béo, rậm lông, khí hư nhiều màu trắng, chóng mặt nặng đầu, tức ngực, thích ngủ, người mệt mỏi. Rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm hoạt.

Pháp điều trị: táo thấp hóa đàm, hành trệ tán kết.

Phương dược: Thương phụ đạo đàm thang gia vị

3.3.Tỳ thận lưỡng hư

Triệu chứng: kinh nguyệt sau kỳ, lượng ít, sắc nhạt, chất loãng hoặc bế kinh hoặc băng lậu, vô sinh, cơ thể béo phì, rậm lông, giảm tình dục, chóng mặt ù tai, đau lưng mỏi gối, mệt mỏi, đại tiện không thực, tiểu tiện trong dài, người lạnh, tay chân lạnh. Chất lưỡi bệu, hoặc có hằn răng rêu trắng, mạch trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: ôn thận kiện tỳ, điều bổ xung nhâm.

Phương dược: Kim quỹ thận khí hoàn hợp với Tứ quân tử thang .

3.4.Can uất hóa hỏa

Triệu chứng: kinh nguyệt trước sau không định kỳ, hoặc bế kinh hoặc âm đạo ra máu không dừng, vô sinh, rậm lông, mặt nhiều trứng cá, ngực sườn, vú chướng căng, phiền táo dễ nộ, miệng đắng họng khô, đại tiện táo kết. Chất lưỡi đỏ rêu vàng mỏng, mạch huyền sác.

Pháp điều trị: sơ can giải uất, thanh nhiệt tả hỏa

Phương dược: Đan chi tiêu giao tán gia giảm

3.5. Bài thuốc YHCT đã được nghiên cứu tại Việt Nam điều trị PCOS

 Theo Luận văn thạc sĩ – Đại học Y Hà Nội, tác giả  Bùi Thị Huyền Trang. Tên đề tài: “Đánh giá tác dụng thay đổi nội tiết và phóng noãn của bài Ngũ tử diễn tông hoàn trên bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang”. [7]

- Tên bài thuốc : Ngũ tử diễn tông hoàn

- Thành phần và liều lượng:

                                          Thỏ ty tử 240g

                                          Câu kỷ tử 240g

                                          Phúc bồn tử 120g

                                          Xa tiền tử 60g

                                          Ngũ vị tử 30g

Tất cả làm hoàn cứng, ngày uống 30g chia 2 lần, dùng trước ăn 60 phút

- Thời gian dùng thuốc: 03 tháng liên tục

- Kết quả nghiêm cứu

+ Bài thuốc “Ngũ tử diễn tông hoàn” có tác dụng thay đổi nội tiết trên bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang

+ Bài thuốc “Ngũ tử diễn tông hoàn” có tác dụng giúp phóng noãn trên bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang

 

Thạc sĩ. BS. Vũ Thanh Tuyền

Khoa YHCT – BVĐK tỉnh Hải Dương

 

 Tài liệu tham khảo

1.Rotterdam Eshre Asrm-Sponsored Pcos Consensus Workshop Group. (2004). Revised 2003 consensus on diagnostic criteria and long-term health risks related to polycystic ovary syndrome. Fertil Steril. 81(1), 19-25.

2.Thessaloniki - Eshre Asrm-Sponsored Pcos Consensus Workshop Group. (2008). Consensus on infertility treatment related to polycystic ovary syndrome. Fertil Steril. 89(3), 505-22

3.Pasquali R., Stener-Victorin E., Yildiz B. O., et al. (2011). PCOS Forum: research in polycystic ovary syndrome today and tomorrow. Clin Endocrinol (Oxf). 74(4), 424-33.

4. Các quy trình chẩn đoán và điều trị vô sinh (2013), tiêu chuẩn chẩn đoán Hội chứng buồng trứng đa nang tr 14,15,16

5. 郭志强, 张宗芳 (1997), 月经生 里 经后期,多囊卵巢,中医妇科治疗大 成-河北科技出版社,河北, 9 -54-78-82. Guo Zhi Qiang, Zang Zong Fang (1997), sinh lý kinh nguyệt - kinh sau kỳ - đa nang buồng trứng, Trung y phụ khoa trị liệu Đại thành, 9-54-78-82.

6. Khoa y học cổ truyền - Trường Đại học y Hà Nội (2016), Sản phụ khoa y học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 46 - 49

7. Luận văn thạc sĩ – Đại học Y hà Nội (2013) Bùi Thị Huyền Trang. Tên đề tài: “Đánh giá tác dụng thay đổi nội tiết và phóng noãn của bài Ngũ tử diễn tông hoàn trên bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang”.

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Y học thường thức
Bài viết mới nhất
19/11/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Từ ngày 18/11/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến tại Bệnh viện thông qua Tổng đài đăng ký khám bệnh trực tuyến, Website Bệnh viện và Tài khoản Zalo OA Bệnh viện.
18/11/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
 Nhằm tạo thúc đẩy Đội ngũ Điều dưỡng, Kỹ thuật viên tại Bệnh viện học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng tay nghề và thái độ làm việc hướng tới sự chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội thi kỹ năng tay nghề Điều dưỡng, KTV năm 2024 với 2 vòng thi lý thuyết và thực hành chạy trạm 5 quy trình kỹ thuật chăm sóc, cấp cứu cơ bản.
14/11/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2024, với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.
30/10/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 23/10/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức tập huấn triển khai 5S trong Bệnh viện. Việc đào tạo và triển khai hiệu quả mô hình 5S trong Bệnh viện nhằm xây dựng một môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, khoa học, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện hướng đến sự hài lòng người bệnh.
29/10/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 19/10/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức buổi lễ khai mạc kỳ thi tuyển dụng viên chức năm 2024.
Tin đã đăng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
 Địa chỉ : 225 - Nguyễn Lương Bằng -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(03203)890 205
Email: benhviendakhoatinhhaiduong@gmail.com
logo.png ® BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
Hết lòng phục vụ người bệnh và hành động vì sức khỏe cộng đồng


BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG giữ bản quyền nội dung cho website này. Nghiêm cấm mọi sao chép bài viết mà không được sự đồng ý của tác giả.