Định nghĩa: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng trào ngược mạn tính các chất dịch trong dạ dày, tá tràng như HCl, pepsin, dịch mật,… lên thực quản gây ra các triệu chứng và biến chứng tại thực quản, có thể có hoặc không có tổn thương niêm mạc thực quản.
|
|
Vakil N. et al. AJG. 2006; 101, 1900–1920 Viêm thực quản theo Los Angeles A-D(1999)
|
Nguyên nhân:
Suy cơ thắt dưới thực quản, thoát vị hoành, ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày, tăng áp lực ổ bụng đột ngột, Một số nguyên nhân khác: Stress làm tăng tiết cortisol, thói quen ăn uống không lành mạnh, yếu tố bẩm sinh, béo phì.
Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng có thể được phân làm 2 nhóm:
* Các triệu chứng liên quan trực tiếp đến cơn trào ngược
+ Ợ nóng: Là cảm giác nóng rát vùng mũi ức sau đó lan lên cổ đặc biệt sau ăn no thường xảy ra sau các bữa ăn, đặc biệt là khi ăn quá no, ăn những thực phẩm có chứa chất béo, đồ chua cay, chocolate, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều gia vị hoặc rượu bia, các stress, …Triệu chứng này có thể nặng hơn khi nằm ngửa hoặc ngồi cúi gập ra trước, đỡ hơn khi dùng các thuốc kháng acid.
+ Ợ trớ: Bệnh nhân có cảm giác chua và nóng ở cổ, cũng có thể là một phần thức ăn không tiêu. Tư thế cúi hoặc vận động làm tăng áp lực ổ bụng gây ra trớ. Ợ trớ cũng là triệu chứng đặc trưng cho GERD.
Triệu chứng không điển hình: Trào ngược có thể gây ra một số triệu chứng không đặc hiệu như: đau ngực, đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn
*Các triệu chứng do biến chứng của bệnh trào ngược: Triệu chứng hô hấp, nuốt khó, nuốt đau, biến chứng loét thực quản, barrett thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Các yếu tố nguy cơ: Thừa cân, hút thuốc lá, sử dụng rượu và đồ uống có ga, cà phê, thức ăn giàu chất béo. Những thức ăn có nhiều gia vị và dùng các thuốc chống viêm không Steroid, theophylline, các thuốc chẹn kênh calci... là chưa rõ ràng, tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ làm tăng nguy cơ gây trào ngược dạ dày thực quản và một số bệnh lý ác tính tại thực quản.
Chẩn đoán
- Chẩn đoán bệnh dựa vào hỏi bệnh khi lâm sàng có các triệu chứng điển hình của trào ngược như ợ trớ, ợ nóng
- Chẩn đoán bằng bộ câu hỏi RDQ, bảng câu hỏi GERD Q
- Nội soi thực quản –dạ dày: Hình ảnh viêm thực quản là biến chứng phổ biến nhất ở thực quản của GERD. Ngoài ra còn có thể có hình ảnh loét thực quản, barrett thực quản, hẹp thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản.
- Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM): Giảm nhu động thực quản và trương lực cơ thắt thực quản dưới thấp
- Đo PH thực quản 24h là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh
Điều trị
- Nguyên tắc cơ bản của điều trị GERD là can thiệp lối sống và giảm acid trong lòng thực quản bằng cách trung hòa acid tại chỗ hoặc ức chế tiết acid dạ dày với thuốc hoặc hiếm hơn với phẫu thuật/nội soi chống trào ngược
- Can thiệp lối sống:
+ Triệu chứng GERD tăng ở những người thừa cân. BMI có liên quan với nguy cơ gia tăng GERD.
+ Thức ăn giàu chất béo có liên quan đến nguy cơ mắc GERD và viêm thực quản ăn mòn( EE).
+ Nước uống có ga là một yếu tố nguy cơ của ợ nóng khi ngủ ở bệnh nhân GERD.
+ Vai trò của cà phê, rượu, thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đối với GERD.
+ Tránh các bữa ăn tối muộn.
+ Khi năm ngủ nâng cao đầu giường 15cm- 20cm so với cuối gường, nằm nghiêng trái khi ngủ.
- Các thuốc sử dụng trong điều trị GERD
+ Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là lựa chọn hàng đầu khi điều trị GERD. PPI được dùng trước bữa ăn 30 – 60 phút.
Thuốc ức chế thụ thể H2 của histamine (H2A) dùng trước khi ngủ nế có trào ngược về đêm.
Thuốc trung hòa acid ( antacid, alginate-antacid ) thường phối hợp với PPI làm giảm nhanh triệu chứng.
Thuốc Baclofen thường sử dụng điều trị GERD kháng trị, là một thuốc đối vận GABA có tác dụng ức chế sự giãn đột ngột cơ thắt thực quản dưới qua đó làm giảm trào ngược sau ăn.
Cân nhắc điều trị diệt H.Pylori trước điều trị PPI kéo dài ở bệnh nhân có viêm teo dạ dày, dị sản ruột.
- Chỉ định phẫu thuật GERD: Chỉ định phẫu thuật rất hạn hẹp trong điều trị GERD
Tài liệu tham khảo:
1.Vakil N., Zanten S.V. van, Kahrilas P., et al. (2006). The Montreal Definition and Classification of Gastroesophageal Reflux Disease: A Global Evidence-Based Consensus. Am J Gastroenterol, 101(8), 1900–1920.
2. Farré R. (2013). Pathophysiology of gastro-esophageal reflux disease: a role for mucosa integrity?. Neurogastroenterol Motil, 25(10), 783–799.
3. Fock K.M., Talley N.J., Fass R., et al. (2007). Asia-Pacific consensus on the management of gastroesophageal reflux disease: Update: Asia-Pacific GERD consensus: Update. J Gastroenterol Hepatol, 23(1), 8–22.
4. Herbella F.A., Patti M.G. (2010). Gastroesophageal reflux disease: From pathophysiology to treatment. World J Gastroenterol WJG, 16(30), 3745–3749.
Ths. Nguyễn Thị Kim Dung Trưởng khoa Nội 4