Trường hợp bênh nhân là em Vũ Trung H 19 tuổi, quê Phả Lại- Chí Linh- Hải Dương. Em H là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ngày nghỉ em H về quê và đi câu cá. Khi câu cá em ngồi dưới đường điện cao thế đi qua và bị phóng điện, sau khi bị phóng điện H vẫn tỉnh, bỏng nhiều vùng cơ thể, H được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế Chí Linh; Sau đó H được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Tại khoa Cấp cứu- BVĐK tỉnh Hải Dương em H được Bác sỹ thăm khám và chẩn đoán “ Bỏng điện độ II,III,IV diện tích khoảng 35% DTCT, bỏng sâu 5%”. Tình trạng bệnh nhân lúc vào: Tỉnh; đau rát nhiều; tổn thương bỏng nhiều vùng cơ thể như cẳng tay hai bên, mặt, cổ, ngực, bụng, cẳng chân 2 bên, huyết áp 90/60mmHg, tim nhịp không đều.
BSCKI Hồ Sỹ Bình - Phó trưởng khoa Cấp cứu đã thực hiện các kỹ thuật, phác đồ điều trị để cấp cứu người bệnh như: Hỗ trợ hô hấp, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và sử dụng các thuốc giảm đau, truyền dịch, albumin 20%. Đây là một tình trạng rất xấu, bệnh nhân bị bỏng điện nhiều vùng cơ thể, diện tích bỏng lớn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngay sau khi được chẩn đoán bệnh,hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân kíp trực đã tổ chức hội chẩn cùng Trực lãnh đạo bệnh viện, bác sỹ chuyên khoa bỏng đánh giá tình trạng, tiên lượng bệnh nhân là rất nặng do tổn thương nhiều vùng cơ thể, diện tích lớn. Sau khi hội chẩn, Trực lãnh đạo Bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện bỏng Quốc gia để điều trị tiếp.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, khoa Cấp cứu đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân như sau:
- Bỏng điện là tổn thương do luồng điện dẫn truyền vào cơ thể gây ra gồm: Vết bỏng, ngừng hô hấp, ngừng tim, sốc điện. Bất cẩn trong việc tiếp xúc với nguồn điện hoặc sét đánh trong những lúc mưa giông đều gây ra bỏng điện.
- Bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân (do tiếp xúc với nguồn điện. Ở trẻ em hay gặp vết bỏng ở miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện. Vết bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào: Điện trở càng cao, cường độ của luồng điện càng lớn và thời gian tác dụng càng lâu thì tổn thương tại chỗ càng sâu rộng. Giới hạn tổn thương không rõ ràng. Những ngày đầu khó chẩn đoán chính xác độ sâu của vết bỏng. Nếu bỏng sâu thì các lớp cân, cơ, gân thường bị hoại tử. Nếu bỏng ở thành ngực, thành bụng khi hoại tử có thể làm lộ hở hốc phế mạc. Nếu ở vùng xương sọ, xương trán có thể thấy hoại tử xương và thủng dẫn tới biến chứng viêm màng não. Bỏng ở chân tay thường có các tổn thương mạch máu gây chảy máu thứ phát, tổn thương thần kinh gây liệt. Trường hợp nặng, toàn bộ chi bị tổn thương bị hoại tử, than hóa; khi đó phải cắt cụt chi sớm mới cứu được nạn nhân.
Người dân cần thận trọng khi làm việc hay di chuyển hoặc chơi tại các khu vực có điện lưới, không câu cá ngay dưới đường điện đặc biệt trong những người trời mưa ẩm, những nơi có trạm điện, đường điện cao thế, trang bị đồ phòng hộ chuyên dụng khi sửa chữa điện lưới…
Lưu ý: Khi phát hiện người bị điện giật cần nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt thiết bị đóng cắt điện, cầu dao, rút phíc cắm,cầuchì… Túm vào quần, áo khô của người bị nạn để kéo người bị nạn ra khỏi nguồn điện, đặt ở nơi thoáng khí, yên tĩnh. Người cấp cứu tại chỗ phải đứng ở nơi khô ráo, trên vật cách điện, tay có găng tay cách điện hoặc quấn thêm vải khô, túi nilông và không được túm vào các bộ phận cơ thể người bị nạn.
Khẩn trương chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Mỗi người dân cần trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ do sự cố điện, tập huấn các kĩ năng sơ cấp cứu cơ bản tai nạn do điện giật để kịp thời tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực… đối với các trường hợp ngưng tim sau điện giật, hạn chế nguy cơ tử vong cho người bị nạn.
Người viết
BSCKI. Hồ Sỹ Bình