Sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K cho người bệnh như là một 'con dao hai lưỡi'. Với các đặc điểm như bắt đầu tác dụng chậm, cách theo dõi điều trị phức tạp, khoảng trị liệu hẹp, tương tác với nhiều loại thức ăn và thuốc do đó việc nâng cao hiểu biết và theo dõi trong dùng thuốc điều trị là rất quan trọng. Công dụng Thuốc chống đông kháng vitamin K được sử dụng để dự phòng huyết khối trong các bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, huyết khối tĩnh mạch, …. Thuốc không có tác dụng làm tan các cục máu đông. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm ức chế quá trình tổng hợp 4 yếu tố II, VII, IX và X làm đông máu ở gan phụ thuộc vào vitamin K. Thuốc gồm 2 nhóm: Dẫn xuất Coumarin: Warfarin, Acenocoumarol,…; Dẫn xuất Indanedion: fluindion,…
Tại các chuyên khoa tim mạch tại Việt Nam, thuốc chống đông kháng vitamin K được sử dụng hiện nay có warfarin và acenocoumarol, tuy nhiên acenocoumarol được dùng phổ biến hơn
Các thuốc nhóm kháng Vitamin K
|
Thuốc
|
Biệt dược
|
Thời gian bán hủy
|
Thời gian tác dụng
|
Acenocoumarol
|
Sintrom 4mg Minisintrom 1mg Aceronko 4mg Vincerol 1mg
|
8-10h
|
2-3 ngày
|
Warfarin
|
Coumadine 2mg Coumadine 5mg
|
36-45h
|
4-5 ngày
|
· Thuốc chống đông kháng Vitamin K sử dụng trong trường hợp nào?
- Dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ do bệnh van tim và không do bệnh van tim - Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, huyết khối động mạch phổi.
- Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật khớp háng, gối.
- Van tim cơ học.
- Van tim sinh học trong 3 tháng đầu.
· Tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến việc dùng thuốc chống đông kháng vitamin K
- Bệnh thận: Những người có vấn đề về thận nên thảo luận với bác sĩ, thuốc này có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của họ.
- Bệnh gan: Những người có vấn đề về gan nên thảo luận với bác sĩ của họ, bệnh gan có thể ảnh hưởng đến liều lượng và hiệu quả của thuốc kháng vitamin K, phải được theo dõi đặc biệt.
- Tai nạn: Trong trường hợp thương tích hay tai nạn, mọi người uống thuốc này nên mang theo một thẻ hoặc giấy tờ tùy thân ghi là đang dùng thuốc chống đông.
- Mang thai: Không nên sử dụng thuốc kháng vitamin K khi mang thai vì có nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi.
- Ngưng thuốc: Cần theo chỉ định của Bác sĩ, không đột ngột ngưng dùng thuốc này mà không thảo luận với Bác sĩ.
- Các thủ thuật: Trước khi làm bất kỳ xét nghiệm hoặc thủ thuật nào (ví dụ: phẫu thuật, nhổ răng, chụp mạch), cần phải thông báo cho Bác sĩ bạn đang sử dụng thuốc kháng vitamin K.
- Cho con bú: Thuốc kháng vitamin K có thể đi vào sữa mẹ nên có thể ảnh hưởng đến em bé. Thảo luận với Bác sĩ về việc bạn nên tiếp tục cho con bú hay không.
- Trẻ em: Sự an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc này chưa được xác định cho trẻ em.
· Các thức ăn ảnh hướng đến thuốc chống đông kháng vitamin K
Nhiều loại thực phẩm chứa vitamin K, gây cản trở tác dụng của thuốc này. Vì thế cần một chế độ ăn ổn định ít thay đổi và nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa vitamin K bao gồm:
- Cải xoăn, bông cải xanh, cải bắp, củ cải, rau muống, rau chân vịt, súp lơ, mùi tây, hành xanh, rau muống, măng tây và rau diếp.
- Mù tạc.
- Trà xanh.
- Bơ.
- Gan động vật, thịt cừu, thịt bò.
- Dầu đậu tương, đậu nành dầu hướng dương, đậu (đậu Hà Lan, đậu xanh).
· Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K
- Uống thuốc đúng và đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Luôn mang theo: Sổ theo dõi điều trị, phiếu xác định nhóm máu (nếu có).
- Luôn thông báo cho các bác sĩ đồng điều trị về việc đang sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K.
- Tránh các thức ăn chứa hàm lượng vitamin K cao.
- Tránh các hoạt động dễ gây thương tích như các môn thể theo đối kháng, sử dụng các dụng cụ sắc nhọn như khoan, đinh,…
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc mới hay thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.
- Theo dõi và thông báo các dấu hiệu xuất huyết như nổi mảng bầm, chảy máu niêm mạc mũi-miệng, máu trong phân, nước tiểu, mệt mỏi xanh xao gợi ý tình trạng chảy máu ẩn, đau đầu dữ dội, dấu yếu liệt tay chân, méo miệng gợi ý chảy máu não,…
- Theo dõi và thông báo các dấu hiệu dị ứng thuốc như ngứa, nổi ban, phù khu trú, phù môi-mắt,…
- Hạn chế sử dụng rượu, bia. - Hạn chế tham gia hoạt động thể thao mà có thể dẫn đến va chạm mạnh. - Duy trì chế độ ăn, tránh thay đổi để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc (như rau xanh).
- Không tự ý thay đổi liều khi chưa tham khảo tư vấn của bác sĩ.
· Dừng thuốc và đi khám nếu xảy ra bất cứ sau đây
+ Dấu hiệu của dị ứng nặng (ví dụ, sưng mặt hoặc cổ họng, phát ban, hoặc khó thở, tụt huyết áp).
+ Có dấu hiệu chảy máu (phân đen, đi ngoài ra máu, chảy máu trong mắt, nôn ra máu, nôn ra dịch đen như bã cà phê, đái máu, ho ra máu).