A. Răng số 8 bị lợi trùm.
Khi răng số 8 mọc bình thường, răng số 8 mọc hướng lên phía lợi từ trong xương hàm, xuyên qua lợi và thoát hoàn toàn thân răng khỏi xương hàm, trục của răng song song với các răng bên cạnh. Nếu mặt nhai của răng khôn không bộc lộ hoàn toàn khỏi lợi tạo một tương quan xấu giữa lợi và mặt nhai răng 8, một hầm chứa thức ăn tạo bởi lợi trùm lên trên mặt nhai là nắp hầm, mặt nhai của răng chính là nền của hầm, tương quan này tạo một hầm luôn lưu chứa thức ăn, hậu quả là:
1.Lợi thường xuyên sưng đau, có tính tái phát do thức ăn đọng lại nhiều là nguồn dinh dưỡng nuôi vi khuẩn, khi sưng đau thì răng số 8 đối diện lại là một tác nhân nhai vào vùng lợi đó làm việc sưng đau kéo dài hơn.
2. Mặt nhai răng 8 tiếp xúc nhiều với thức ăn lưu đọng có nguy cơ cao mắc bệnh sâu răng.
Cách khắc phục: Bệnh nhân(BN) bị lợi trùm thường được điều trị theo 03 cấp độ:
1. Khi BN đến khám vì sưng đau vùng lợi che phủ răng số 8, xử trí an toàn là sát trùng và lau rửa tại gầm lợi che phủ để loại bỏ hết vi khuẩn, thức ăn và dịch viêm. Đây là một điều trị mang tính xử trí tình huống và không triệt để vì chỉ nhằm giúp BN nhanh chóng rút ngắn những ngày viêm cấp xuống nhờ loại bỏ vi khuẩn và hỗ trợ sức đề kháng bởi kháng sinh, không loại bỏ được tương quan xấu giữa lợi và răng.
2. Khi bệnh nhân không còn triệu chứng sưng, đau, viêm tại vùng lợi trùm thì có thể gây tê để cắt bỏ hoàn toàn vùng lợi khỏi mặt nhai răng số 8. Mặt nhai răng 8
sau cắt bỏ lợi có thể dễ dàng vệ sinh sạch bằng bàn chải, không gây viêm tái phát.
3. Với một số trường hợp kết hợp lợi trùm với răng mọc lệch má, niêm mạc má sau cắt có thể chẩy xuống và che phủ trở lại vào mặt nhai, nhổ răng có thể là lựa chọn triệt để nhất cho trường hợp này.
B. Răng số 8 mọc nghiêng (lệch)
Răng số 8 mọc khi các răng khác đã mọc hoàn thiện hết chiều cao trong khoảng 18-25 tuổi, nếu cung hàm ngắn hơn tổng chiều ngang của 8 thân răng, khả năng răng số 8 mọc lệch, húc vào thân răng số 7 kề ngay đó rất cao. Khi răng khôn mọc nghiêng về phía răng 7 tạo nên một tương quan thân răng không tốt giữa răng 8 và răng 7, tương quan này tạo ra 4 biến chứng do răng khôn mọc lệch ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống:
1.Thức ăn lưu đọng lại góc chữ V tạo bởi thân răng số 7 và mặt nhai răng số 8 => là nguyên nhân của hôi miệng do khó vệ sinh vì lông bàn chải không thể vệ sinh tới tận đáy của chữ V tạo mởi mặt nhai nghiêng của răng số 8 và mặt bên bị húc của răng số 7 được.
Phim XQ thể hiện bệnh nhân này có vấn đề về hướng mọc của răng trên cả 4 răng số 8 ở 4 góc hàm
2. Bị đau có tính chất tái phát là biến chứng thứ 2 của việc răng khôn mọc lệch, nguyên nhân là do thức ăn đọng ở kẽ giữa hai răng này cũng là nguồn dinh dưỡng nuôi vi khuẩn, viêm kẽ răng mạn tính và dẫn đến tiêu xương ổ răng vùng giữa hai răng, làm giảm sự neo giữ chắc chắn chân răng số 8 và số 7 vào trong xương hàm, sớm làm lung lay răng số 7 và 8.
3. Sự lưu đọng thức ăn ở vùng này tạo thuận lợi cho việc sâu thân răng số 7 vùng bị húc bởi răng số 8 và sâu mặt nhai răng số 8.
4. Răng số 8 nghiêng tạo một lực đẩy dồn hàng các răng từ trong ra ngoài là một trong những nguyên nhân làm lệch lạc các răng nhóm răng cử.
Cách khắc phục: BN bị răng số 8 mọc lệch khi xuất hiện biến chứng do mọc lệch thường nhận được lời khuyên nhổ răng từ bác sĩ càng sớm càng tốt bởi đây là lựa chọn triệt để nhất.
Cũng có thể có các lựa chọn mang tính trì hoãn hoặc không nhổ răng cho trường hợp chống chỉ định nhổ răng như: người bị bệnh tim mạch, máu khó đông, đang điều trị xạ trị hoặc hóa chất…các lựa chọn thường là chữa tủy răng, làm chụp răng đôi (chụp cả vào răng số 7 và số 8) để loại bỏ tương quan xấu giữa hai răng đó.
Nên nhổ răng khôn khi nào?.
Biến chứng của răng khôn thường được phát hiện lần đầu khi người có răng cảm thấy sưng, đau vùng răng không và đi khám, khi phát hiện nguyên nhân đau do biến chứng của răng khôn do lợi trùm hoặc răng khôn mọc lệch bác sĩ thường khuyên xử trí bằng vệ sinh tại chỗ và kê đơn cho BN uống thuốc nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn quanh răng khôn mà không nhổ ngay. Điều này có hai lý do: Thứ nhất vùng mô quanh răng 8 đang có tình trạng viêm cấp, PH tại đó thay đổi nên không hoạt hóa được thuốc tê, nếu gây tê thì hiệu lực tê sẽ rất thấp dẫn đến việc nhổ răng thời điểm này sẽ đau hơn khi không còn tình trạng viêm nhiễm quanh răng khôn. Thứ hai mô đang viêm quanh răng khôn đang có rất nhiều vi khuẩn, nếu nhổ ngay khi răng đang đau đồng nghĩa với việc số lượng vi khuẩn lọt vào vết thương nhổ răng nhiều, tạo nên nguy cơ cao nhiễm trùng do nhổ răng. Cũng không nên nhổ răng khi đang trong những ngày đầu của chu kì kinh nguyệt, đang điều trị bệnh khác hoặc đang uống một vài loại thuốc khác...
*Nên làm gì và tránh gì sau nhổ răng?.
1. Sau nhổ răng khôn BN nên được nghỉ ngơi ít nhất 2 ngày sau nhổ răng, hạn chế giao tiếp vì khi nói các cơ vùng mặt, góc hàm phải chuyển động làm mất sự ổn định của vết thương, làm cho quá trình lành thương kéo dài hơn.
2. Sau nhổ răng khôn hiện tượng sưng thường kéo dài 48 đến 72 giờ (mặc dù trong đơn thuốc uống để nhổ răng thường có thuốc chống sưng nề), nên tính toán để không phải hiện diện hoặc giao tiếp những ngày này để tránh sự bất tiện.
3. Sau nhổ răng thường xuất hiện sự đau nhức từ vết thương nhổ răng vì hết tác dụng của thuốc tê (Tác dụng của thuốc tê thường kéo dài 60-90 phút tính từ khi gây tê), thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống 1 viên thuốc giảm đau ngay trước hoặc sau khi nhổ răng, việc này có tác dụng giảm cảm giác đau của người bị nhổ răng ngay sau khi hết tác dụng của thuốc tê, hiệu lực của thuốc giảm đau viên thường kéo dài khoảng 4-6 giờ tùy BN. Thời gian đau thường ngắn hơn thời gian sưng ở vùng nhổ răng.
4. Không nên mút, tạo áp lực âm trong miệng, việc này dễ làm bong nút cầm máu tạo ra bởi tiểu cầu và các thành phần đông máu khác có chức năng cầm máu tại vết thương. Nếu thấy chảy máu lâu hơn 12 giờ, có thể làm theo các bước sau:
+ Cắn gạc vô trùng vào vùng vừa nhổ răng và nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp.
+ Có thể chườm đá bọc trong túi nylon và khăn vải.
+ Nếu máu vẫn chảy liên hệ với bác sĩ đã nhổ răng cho mình để xử trí tích cực hơn.
5. Tuân thủ lịch và loại thuốc bác sĩ đã kê trong đơn thuốc, không nên bỏ uống thuốc khi cảm thấy hết đau và sưng mà chưa hết thuốc kháng sinh theo đơn. Việc bỏ dở đơn thuốc dễ làm tăng tình trạng kháng thuốc ở các lần phải uống kháng sinh lần sau cho các viêm nhiễm khác.
KHOA RĂNG MIỆNG