Theo y học hiện đại, ngâm thuốc có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hoá, chống viêm, chống stress và điều hoà cơ thể, giảm đau, ...
1. Trong y học cổ truyền ngâm chân thường được điều trị các bệnh sau:
Viêm khớp, đau khớp, đau và viêm dây thần kinh, đau cơ, bong gân, cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động. Theo các chuyên gia điều tra về tác dụng của liệu pháp nóng đối với xương khớp cho hay: hơi ấm giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và làm giảm áp lực lên các khớp xương. Vì vậy, biện pháp này giúp giảm nhanh triệu chứng đau và khó chịu ở khớp xương. Đặc biệt, ngâm chân còn giúp cải thiện nhẹ chức năng khớp gối, tăng cường khả năng khôi phục ở khớp.
Bệnh ngoài da: viêm da dị ứng, tổ đỉa, nấm, chàm,…nguyên liệu như muối hoặc thảo dược phù hợp. Những nguyên liệu này sẽ có tác dụng tẩy tế bào chết, loại bỏ vi khuẩn, các tác nhân gây viêm nhiễm, giảm đau, ngứa, nhờ đó sẽ giúp các bệnh ngoài da khỏi nhanh hơn.
Rối loạn thần kinh thực vật: mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân, một số bệnh rối loạn vận mạch, …
Chống stress, an thần, giải độc,tăng sức đề kháng, khử mùi hôi chân: Bởi trong khi ngâm chân, bạn sẽ cảm thấy thư giãn, cơ thể được cân bằng từ đó duy trì sức khỏe ổn định. Nước nóng thúc đẩy quá trình lưu thông máu ở vùng chân và giải độc cho các vùng trên cơ thể. Hơn nữa, ngâm chân bằng nước nóng còn tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, làm sạch da chết và điều hòa tuyến mồ hôi làm giảm tình trạng hôi chân.
2. Cần chuẩn bị những gì khi ngâm chân nước nóng
Chuẩn bị chậu ngâm. Người bệnh bộc lộ và làm sạch đôi bàn chân và uống đủ. Kiểm tra nhiệt độ của nước ngâm xem nóng quá hoặc chưa đủ nóng đề điều chỉnh, nhiệt độ thích hợp từ 35 – 39oC.
Ngâm nước ngập trên mắt cá chân khoảng 10-15 cm. Trong quá trình ngâm thuốc người bệnh tự xoa bóp vùng trị liệu để tăng hiệu quả.
3. Thời gian ngâm chân là bao lâu?
Ngâm thuốc 15 - 20 phút/lần, 1 lần/ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.
Một liệu trình điều trị từ 10 - 20 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của từng bệnh, có thể tiến hành 2 - 3 liệu trình liên tục.
4. Người không nên ngâm chân nước nóng
- Dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Vết thương hở.
- Bệnh cấp cứu.
* Thận trọng:
- Người bệnh say rượu, tâm thần.
- Trường hợp giảm cảm giác nóng, lạnh (người tiểu đường)
- Trẻ em, người già sa sút trí tuệ, ...
- Người có tiền sử động kinh.
Nguy cơ có thể xảy ra khi ngâm chân là người bệnh có thể bị bỏng hoặc dị ứng với những thành phần thảo dược có trong thuốc ngâm chân.
Ngâm chân nước nóng là phương pháp trị liệu đơn giản và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài một số lưu ý cụ thể khi ngâm chân, bất kỳ ai cũng có thể ngâm chân nước nóng hàng ngày để chữa bệnh, cải thiện sức khỏe và tinh thần. Bởi tác dụng tuyệt vời này tại khoa Y Học Cổ Truyền - Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hải Dương tất cả các bệnh nhân không có chống chỉ định với ngâm chân đều được ngâm chân thảo dược hàng ngày trong quá trình điều trị mục đích để hoạt huyết, an thần, nâng cao sức đề kháng, giảm đau nhức xương khớp, tăng cường khả năng hồi phục khớp xương, giảm tê bì tay chân, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình khỏi bệnh.
GỢI Ý MỘT SỐ BÀI THUỐC NGÂM CHÂN DỄ LÀM
VÀ CÓ HIỆU QUẢ CAO
1. Ngâm chân bằng lá lốt
- Nguyên liệu: 30g lá lốt.
- Cách thực hiện:
Rửa sạch lá lốt, bạn có thể để nguyên hoặc cắt nhỏ tùy thích.
Đem lá lốt đun cùng 1,5l nước đến khi sôi
Để nồi nước lá lốt nguội bớt trước khi ngâm.
- Tác dụng: Ngăn cảm lạnh, cải thiện chứng mất ngủ, giảm đau xương khớp, giảm phù nề chân, hỗ trợ trị nấm da chân, trị chứng chảy mồ hôi chân, giảm tress.
2. Ngâm chân bằng muối gừng
- Nguyên liệu: Gừng, muối hạt và nước ấm.
- Cách làm:
Gừng đem đập dập, bỏ vào nước đun cùng muối hạt.
Đun nước đến nhiệt độ khoảng 50-60oC (có thể điều chỉnh tùy theo khả năng của người dùng). Nước ngâm chân ở nhiệt độ khoảng 45oC. Sau khi ngâm khoảng 10 phút có thể thêm nước ấm để giữ được nhiệt độ của nước.
- Tác dụng: Giảm sự mệt mỏi, giảm triệu chứng mất ngủ, giúp khử mùi hôi ở chân, giúp giảm đau viêm khớp, làm chậm quá trình lão hóa, giảm tình trạng lạnh tay chân.
3. Ngâm chân bằng ngải cứu
- Nguyên liệu: 50g lá ngải cứu tươi (rửa sạch), 1 củ gừng (nếu có thì tốt), 500ml nước, 1 thìa muối (muối bỏ vào sau khi nước đã sôi).
- Cách làm:
Tất cả cho vào nồi đun sôi, để cho đến khi nhiệt độ còn khoảng gần 40 độ thì dùng. tuần 1-2 lần.
- Tác dụng: Thúc đẩy tuần hoàn máu,giảm căng thẳng, mệt mỏi, giảm đau, tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện giấc ngủ.
BSCKI.Nguyễn Thị Phương
Khoa Y học cổ truyền