1. 1. ĐẠI CƯƠNG
Amiđan khẩu cái (thường được gọi là amiđan) là hai khối tổ chức bạch huyết lớn nhất của vòng Waldeyer nằm ở thành bên họng miệng, có vai trò tạo ra kháng thể và các Lympho bào.
Viêm amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tai - mũi - họng, đặc biệt là ở trẻ em, trong khi đó người trưởng thành ít mắc hơn. Đặc biệt, viêm amidan thường tái đi tái lại, dễ biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thời gian học tập và làm việc của người bệnh
Cắt Amidan là phẫu thuật chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các phẫu thuật thuộc chuyên khoa TMH. Phẫu thuật cắt amiđan là phẫu thuật trung phẫu nhưng có thể gây ra những biến chứng như: chảy máu trong hoặc sau mổ, biến chứng gây mê, nhiễm trùng... có thể gây tử vong cho người bệnh, thường gặp nhất là biến chứng chảy máu sau mổ.
2. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH CẮT AMIDAN
2.1 Chỉ định cắt amiđan
Theo học viện TMH Hoa Kỳ - Tổ chức Phẫu thuật Đầu và Cổ (AAO-HNS 2000) đã được chỉnh lý cho phù hợp với Việt Nam năm 2003 tại hội nghị TMH toàn quốc năm 2003.
- Viêm amidan mạn tính đợt cấp từ 7 lần/ năm
- Viêm amidan mạn tính đợt cấp từ 5 lần/ năm trong năm liên tiếp.
- Viêm amidan mạn tính đợt cấp từ 3 lần/ năm trong 3 năm liên tiếp.
- Viêm amidan mạn tính có tiền sử bị áp xe quanh amidan.
- Viêm Amiđan mạn tính có liên cầu không đáp ứng với kháng sinh nhóm beta-lactam.
- Viêm Amiđan mạn gây biến chứng vùng lân cận.
2.2. Chống chỉ định cắt amiđan:
a. Tạm thời
- Đang có viêm cấp, có biến chứng tại chỗ của amidan.
- Đang có nhiễm khuẩn cục bộ hay toàn thân.
- Có bệnh mạn tính chưa ổn định.
- Đang trong vùng dịch.
- Phụ nữ có thai, kinh nguyệt.
- Bệnh nhân là trẻ quá nhỏ, thường là sau 4 tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt amidan khi amidan quá to, gây ra cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng.
b. Chống chỉ định tuyệt đối
- Các bệnh về máu
- Cao huyết áp.
- Các bệnh suy tim, tâm phế mạn, suy thận mạn.
- Các bệnh dị ứng.
3. PHƯƠNG PHÁP CẮT AMIDAN TẠI BV ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
3.1. Các phương pháp cắt amidan
- Phương pháp kinh điển: bằng dụng cụ Sluder – Ballanger, thòng lọng.Ưu điểm: hồi phục nhanh, giá thành thấp, đầu tư ban đầu ít, dễ sử dụng. Nhược điểm: dễ sót tổ chức amiđan hoặc tổn thương xung quanh, chảy máu trong mổ nhiều...
- Phương pháp hiện đại như: bằngdao điện cao tần lưỡng cực (Bipolar), Laser, Coblation, dao Pasma... Ưu điểm: thời gian phẫu thuật ngắn, ít chảy máu trong mổ. Nhược điểm: chi phí cao, đầu tư ban đầu lớn, khó bảo quản dụng cụ...
3.2. Phương pháp cắt amidan tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương
Phương pháp phẫu thuật cắt amiđan bằng dao kim điện đơn cực được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1997. Việt Nam áp dụng vào khoảng những năm 2000. Ưu điểm của phương pháp này là làm giảm thời gian và lượng máu mất khi phẫu thuật, chi phí thấp, nên đã trở thành phương pháp phổ biến ở tuyến trung ương nhưng chưa được áp dụng rộng rãi tại địa phương. Nhược điểm, do nhiệt độ cao nên bệnh nhân đau nhiều sau mổ, bong giả mạc hay gây chảy máu.
Khoa TMH BV tỉnh Hải Dương đã thực hiện cắt Amidan bằng dao điện đơn cực từ năm 2008, với bình quân 300 ca mổ/năm. Quá trình cắt amidan sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao và giàu kinh nghiệm, đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao cho phẫu thuật.
Ths. Bs Nguyễn Thị Hà, khoa TMH