1. Nội soi đường tiêu hóa trên là gì?
Nội soi đường tiêu hóa trên hay còn gọi là nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng.Đây là một phương pháp thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa (bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng) nhờ vào một ống soi mềm nhỏ đường kính khoảng 1cm đưa vào từ miệng. Trên ống soi có gắn một camera. Hình ảnh bên trong đường tiêu hóa sẽ được hiển thị trên màn hình, giúp bác sĩ có thể quan sát được các bất thường bên trong ống tiêu hóa. Từ đó, giúp bác sỹ có chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp cho người bệnh.
2. Tại sao phải nội soi dạ dày ?
Ống tiêu hóa là một cơ quan rất khó chẩn đoán bệnh lý. Các phương pháp hiện đại như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) dù rất đắt tiền nhưng vẫn không có giá trị trong chẩn đoán chính xác bệnh lý ống tiêu hóa. Qua nội soi giúp:
- Chẩn đoán bệnh: Qua nội soi bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương rất nhỏ chỉ vài milimet, có thể sinh thiết để phát hiện ung thư, có thể xét nghiệm để tìm vi trùng Helicobacter Pylori gây bệnh. Nội soi dạ dày còn có thể dùng để theo dõi quá trình điều trị các tổn thương loét, điều trị nhiễm khuẩn.
- Điều trị bệnh: Đối với các trường hợp đang xuất huyết, nội soi có thể được tiến hành khẩn cấp để phát hiện và điều trị cầm máu.
3. Những ai phải soi dạ dày?
Chỉ định nội soi dạ dày rất rộng rãi. Hầu như tất cả các bệnh nhân nghi ngờ vấn đề ở đường tiêu hóa trên đều phải nội soi dạ dày. Các lý do thường gặp nhất là:
- Đau bụng vùng thượng vị.
- Cảm giác khó tiêu, ợ hơi, ợ chua.
- Ngay cả khi chẩn đoán đã rõ ràng (Viêm, loét hay u,...), bệnh nhân cũng có thể chỉ định nội soi dạ dày để lấy mẫu xét nghiệm tìm vi trùng hay tìm tế bào ung thư.
4. Nội soi dạ dày có thể gặp các biến chứng?
Nói chung đây là một thủ thuật an toàn và hiếm khi có tai biến. Những vấn đề có thể gặp là :
- Chảy máu
- Thủng Thực quản
- Thủng dạ dày
- Cảm giác đau họng sau soi
5. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi soi?
Cần nhịn ăn uống trước khi soi ít nhất 8 giờ. Việc nhịn ăn nhằm ngăn ngừa khả năng nôn, bảo vệ đường thở và giúp bác sĩ soi thấy rõ tổn thương. Nếu bệnh nhân đang phải uống thuốc, cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang uống.
6. Nội soi dạ dày thực hiện ra sao?
Nội soi được tiến hành ở phòng soi với ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng. Bệnh nhân soi ở tư thế nằm nghiêng bên trái.
Máy nội soi được đưa qua họng và vào thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân có cảm giác khó chịu, nghẹn thở và muốn ho hay sặc. Cảm giác giác này chỉ thoáng qua và bệnh nhân sẽ trở lại bình thường nhanh chóng. Bệnh nhân nên cố gắng hít vào sâu và thở chậm ra để giảm bớt cảm giác buồn nôn.
Toàn bộ quá trình soi kéo dài khoảng 10 phút, nhanh nhất nếu được sự hợp tác tốt của bệnh nhân. Trong vài trường hợp, bác sĩ cần phải làm sinh thiết để lấy một mẫu mô nhỏ (# 1 mm) để thử. Việc sinh thiết không làm đau đớn và không gây cảm giác khó chịu nào.
7. Cần chú ý gì sau khi soi dạ dày?
Bệnh nhân có thể nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi ra về.
Bệnh nhân có thể có một vài dấu hiệu sau soi dạ dày: Cảm giác đau họng; Bụng có cảm giác chướng hơi nhẹ.
Bác sĩ soi sẽ giải thích về các tổn thương ghi nhận và điều dưỡng sẽ hẹn ngày lấy kết quả sinh thiết nếu có.
ĐD. Nguyễn Thị Phương Hiền
Khoa Thăm dò chức năng