Đặc điểm chung của sụn chêm là dai, có tính đàn hồi cao và hoạt động như một hệ thống giảm xóc, nhận và truyền lực đều từ lồi cầu xương đùi xuống xương chày, làm giảm các sang chấn sụn khớp, tạo nên sự vững chắc cho khớp gối.
Nguyên nhân rách sụn chêm ở người trẻ chủ yếu là sau những chấn thương khớp gối, thường gặp khi chơi thể thao, bị ngã hoặc bị tai nạn giao thông,.... Còn ở người già, sụn chêm thường bị rách do thoái hóa khớp.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật sửa chữa sụn chêm khác nhau phụ thuộc vào kiểu và vị trí sửa chữa. Ví dụ, một người bệnh với sửa chữa vết rạch dọc ngoại vi tương đối cố định có thể phục hồi nhanh hơn một người bệnh sửa chữa vết rách xuyên tâm, không ổn định. Do đó, điều quan trọng là bác sỹ phục hồi chức năng có những trao đổi với bác sỹ phẫu thuật, từ đó có kế hoạch phục hồi chức năng cụ thể cho người bệnh.
Mục tiêu chức năng và hạn chế.
- Mục tiêu cho 2 tuần đầu sau phẫu thuật là kiểm soát đau và sưng nề, bắt đầu vận động gối, và lấy lại hoạt động cơ tứ đầu đùi.
- Từ tuần 2 đến tuần 6, người bệnh vẫn cần nẹp khóa khớp gối, nhưng có thể có vận động qua 90 độ, và có thể tập luyện tăng sức mạnh cơ.
- Từ tuần thứ 6 trở đi, người bệnh không cần nẹp và có thể lấy lại toàn bộ tầm vận động và sức mạnh. Thông thường, người bệnh có thể tập luyện thể thao thẳng trục như xe đạp và chạy ở tháng thứ 3 và thể thao xoay vòng ở tháng thứ 6. Các mục tiêu phục hồi chức năng có thể được chia nhỏ như sau.
Pha 1: Kiểm soát sưng nề và đau (Tuần 0-2)
- Kiểm soát sưng nề với chườm lạnh và áp lực
- Chịu trọng lượng nếu có thể chịu được, với nẹp khóa gối ở tư thế duỗi tối đa và nạng (xem xét giới hạn chịu lực phụ thuộc vào vết rách)
- Vận động sớm một cách nhẹ nhàng ở tư thế ngồi với độ gấp tối đa từ 60 đến 90 độ, phụ thuộc vào vết rách.
- Hoạt động cơ tứ đầu đùi
Pha 2: Vận động sớm và mạnh cơ (tuần 2-6)
- Chịu trọng lượng theo sức chịu đựng, với nẹp gối khóa ở tư thế duỗi tối đa và nạng (xem xét giới hạn chịu trọng lượng phụ thuộc vào vết rách)
- Duỗi hoàn toàn và gấp đến 90 độ
- Bắt đầu tập tăng sức mạnh cơ
Pha 3: Chức năng trở lại (tuần 6-12)
- Di chuyển ngoài nẹp
- Lấy lại toàn bộ ROM
- Tập tăng mạnh cơ
Pha 4: Tập luyện thể thao sớm (tuần 12-24)
- Lấy lại toàn bộ sức mạnh cơ
- Điều hòa tim mạch
- Các môn thể thao thẳng trục
- Huấn luyện kỹ năng đặc biệt (đào tạo tốc độ và nhanh nhẹn)
Pha 5: Nâng cao hoạt động thể thao (tuần 24 trở đi)
Trở lại các môn thể thao trước đây
BS CK I Phạm Đăng Quyết - Khoa PHCN