Trang chủ / Y học thường thức

Sốt xuất huyết: triệu chứng và những dấu hiệu cảnh báo

04/08/2017 (GMT+7)
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue, lây truyền qua muỗi đốt. Có 4 chủng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue, lây truyền qua muỗi đốt. Có 4 chủng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Hiện chưa có vaccin phòng bệnh, người nhiễm virus Dengue chỉ có khả năng tạo miễn dịch với chủng nhiễm, không có miễn dịch chéo. Vì vậy, một người có thể hơn một lần mắc bệnh sốt xuất huyết. Nhiễm virus Dengue gây lên các triệu chứng lâm sàng khác nhau, tùy thuộc từng cá thể bị nhiễm và từng giai đoạn của bệnh. Người bệnh có thể biểu hiện lâm sàng như một tình trạng nhiễm virus thông thường nhưng cũng có thể biểu hiện tình trạng sốc nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều, suy đa tạng và có thể tử vong nếu không được xử lí kịp thời.

Tác nhân chính truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti, ngoài ra còn một số chủng khác như: Aedes albopictus, Aedes polynesiensis,  Aedes scutellaris… Các chủng Aedes sinh sống và phát triển quanh nhà, đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước hoặc ao hồ tù đọng và thường không bay xa (chỉ bay trong vòng khoảng 400 m). Muỗi Aedes aegypti thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối. Sự có mặt của muỗi Aedes tại địa phương làm tăng nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết.



Muỗi Aedes aegypti và biều đồ thời gian hút máu

          Nhiễm virus Dengue gây ra bệnh cảnh lâm sàng đa dạng. Những trường hợp mắc lần đầu, chưa có miễn dịch thường biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ. Những trường hợp nặng thường xảy ra ở những người đã có miễn dịch chủ động (đã từng mắc) hoặc thụ động (do mẹ truyền), đây là căn cứ để các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết tăng cường miễn dịch trong bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ở một số vụ dịch đã ghi nhận các trường hợp nhiễm lần đầu, chưa có miễn dịch nhưng diễn biến rất nặng. Vì vậy, có thêm giả thuyết về độc lực của virus (typ DEN-2 gây bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn các typ huyết thanh khác). Bệnh thường diễn biến nặng vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 tính từ khi bắt đầu sốt, với các biểu hiện ứ dịch, sốc, suy các tạng và có thể tử vong.  Khi đó các phức hợp kháng nguyên- kháng thể lưu hành trong máu, hoạt hóa hệ thống bổ thể, giải phóng các hóa chất trung gian tế bào gây tăng tính thấm thành mạch, xuất huyết và rối loạn đông máu rải rác lòng mạch (DIC). Trong những ngày này, số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm nhanh chóng (do bị phá hủy, tủy xương bị ức chế sinh sản và do tiêu thụ trong DIC.), xuất hiện rối loạn đông máu, tổn thương gan (tổn thương hoại tử do tế bào nhiễm virus chết theo chương trình, tổn thương do phức hợp miễn dịch, DIC, sốc, thiếu oxy tế bào…). Như vậy, yếu tố nặng trong sốt xuất huyết có liên quan đến đáp ứng miễn dịch của người nhiễm, chủng virus gây bệnh và một số cơ địa đặc biệt (trẻ em, người mắc bệnh mạn tính, một số chủng người…).

Chẩn đoán sơ bộ ca nhiễm bệnh dựa vào yếu tố dịch tễ và một số biểu hiện trên lâm sàng. Người bệnh có thời gian sống hoặc đi tới vùng dịch tễ Dengue, nếu không có yếu tố này chúng ta cần xem xét lại chẩn đoán hoặc phải tiến hành điều tra dịch tễ tại nơi bệnh nhân đang sinh sống. Khi có yếu tố dịch tễ, người bệnh có sốt và có ít nhất 2 trong các tiêu chuẩn sau thì được chẩn đoán lâm sàng sốt xuất huyết. Các yếu tố đó là: Chán ăn và buồn nôn; Xung huyết da; Đau đầu, đau người; Các dấu hiệu cảnh báo; Giảm bạch cầu; Nghiệm pháp dây thắt dương tính.

 

Tổn thương da trong sốt xuất huyết

Xét nghiệm trong sốt xuất huyết Dengue rất có giá trị trong chẩn đoán và áp dụng các biện pháp xử lí dự phòng cộng đồng. Các xét nghiệm xác định căn nguyên như phân lập virus, PCR khuyếch đại gen phát hiện RNA của virus Dengue được thực hiện trong những ngày đầu tiên sau sốt, những ngày sau đó có thể sử dụng các phương pháp phát hiện kháng thể như test nhanh, ELISA IgM, IgG, tuy nhiên cũng cần các phương pháp để loại trừ các bệnh như: nhiễm virus gây ban khác, nhiễm khuẩn huyết, ricketsia… Trong bệnh sốt xuất huyết, số lượng bạch cầu thường giảm đặc biệt trong những ngày đầu. Nếu số lượng bạch cầu không giảm hoặc tăng chúng ta cần xem xét lại chẩn đoán. Tiểu cầu giảm mạnh, nhanh đặc biệt từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, sau đó sẽ hồi phục nhanh chóng. Hematocrit tăng trên 20% so với trị số bình thường trước đó thì bệnh nhân được coi là có cô đặc máu. Đây là một tiêu chuẩn chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Nếu không biết được giá trị hematocrit bình thường của người bệnh thì có thể xem giá trị > 45% là mốc chẩn đoán.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết xảy ra gồm 3 mức độ khác nhau là sốt xuất huyết, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng. Sốt xuất huyết mức độ nhẹ, không có chỉ định truyền dịch, có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, việc theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cảnh báo nặng là cực kì cần thiết để kịp thời xử lí tránh để dẫn đến tình trạng sốc và tử vong. Các dấu hiệu cảnh báo nếu có phải lập tức được theo dõi và xử lí bao gồm:

Ø Đau bụng hoặc có tăng cảm giác đau

Ø Nôn liên tục

Ø Ứ dịch trên lâm sàng

Ø Xuất huyết niêm mạc

Ø Ý thức u ám, kích thích

Ø Gan to > 2 cm

Ø Tăng hematocrit cùng với giảm nhanh số lượng tiểu cầu.

Khi có các dấu hiệu cảnh báo hoặc sốc, bệnh nhân phải được xử trí bằng việc bù dịch đẳng trương, dịch keo hoặc các chế phẩm máu và được theo dõi sát và chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, cần hiểu đúng vấn đề mất nước và sốc trong sốt xuất huyết là mất huyết tương do thoát mạch. Lâm sàng các triệu chứng mất nước thường không có, bệnh nhân không giảm cân, da không khô, mắt không trũng… nhưng thể tích tuần hoàn vẫn giảm 20- 30% do thoát huyết tương (chủ yếu Albumin). Chính vì vậy, bù dịch trong sốt xuất huyết phải đúng chủng loại dịch, đúng thời điểm, đủ số lượng để xử lí nhanh tình trạng sốc nhưng cũng không để xảy ra tình trạng ứ dịch.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, ngành y tế cùng phối hợp với cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ sẽ khống chế được dịch và hạn chế được số lượng người tử vong do sốt xuất huyết. Phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, bọ gậy muỗi bằng hóa chất, vệ sinh trong và ngoài nhà, thả cá diệt bọ gậy. Tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn, mặc quần áo dài tay, dùng các hóa chất, tinh dầu thực vật đuổi muỗi… Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp, mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng trầm trọng xảy ra.

Tóm lại, sốt xuất huyết thường xuất hiện những triệu chứng nặng nề ở ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 tính từ khi bắt đầu sốt. Các triệu chứng cảnh báo diễn biến nặng là: Đau bụng hoặc có tăng cảm giác đau; Nôn liên tục; Ứ dịch trên lâm sàng; Xuất huyết niêm mạc; Ý thức u ám, kích thích; Gan to và tăng hematocrit cùng với giảm nhanh số lượng tiểu cầu.

       Th.S Hoàng Thạch Quyền – Tổng hợp

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Y học thường thức
Bài viết mới nhất
26/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Thư mời chào giá dịch vụ "Quan trắc, đánh giá môi trường lao động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương năm 2024"
21/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 20/03/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức Họp hội đồng người bệnh cấp Bệnh viện với thành phần tham dự bao gồm: TS.BS Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện; Phòng Công tác xã hội; Phòng Điều Dưỡng; Phòng Kế hoạch tổng hợp; Điều dưỡng trưởng các Khoa lâm sàng và 50 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là đại diện của các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện.
07/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 06/3/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chính thức ký kết hợp tác chuyên môn toàn diện năm 2024
04/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá các vị thuốc Y học cổ truyền, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu về việc xem xét đề xuất phương án cung ứng các bị thuốc Y học cổ truyền sử dụng trong khám chữa bệnh.
19/02/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Sáng 15/02/2024, Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức Chương trình chúc Tết cán bộ, viên chức, người lao động nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Tin đã đăng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
 Địa chỉ : 225 - Nguyễn Lương Bằng -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(03203)890 205
Email: benhviendakhoatinhhaiduong@gmail.com
logo.png ® BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
Hết lòng phục vụ người bệnh và hành động vì sức khỏe cộng đồng


BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG giữ bản quyền nội dung cho website này. Nghiêm cấm mọi sao chép bài viết mà không được sự đồng ý của tác giả.