Trang chủ / Y học thường thức

THIẾU MÁU THIẾU SẮT

12/07/2021 (GMT+7)
Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau

BỆNH THIẾU MÁU THIẾU SẮT LÀ GÌ?

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau.

Ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi bệnh thiếu máu do thiếu sắt hơn so với sự thiếu hụt vi các chất dinh dưỡng khác. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác, như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.

TẠI SAO CƠ THỂ LẠI THIẾU SẮT?

Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt và được phân loại theo 3 nhóm như sau:

Không cung cấp đủ nhu cầu sắt

Do tăng nhu cầu sắt: Trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…;

Do cung cấp thiếu: Ăn không đủ, ăn kiêng, chế độ ăn không cân đối, chế độ ăn  uống của người nghiện rượu, người già…;

Do cơ thể giảm hấp thu sắt: Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột; Do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như tanin, phytat trong chè, cà phê, nước uống có ga…

Mất sắt do mất máu mạn tính

Loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, polyp đường ruột…; viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu nhiều qua kinh nguyệt;  sau phẫu thuật, sau chấn thương, U xơ tử cung…;

Tan máu trong lòng mạch: Bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm.

Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh (Hypotransferrinemia):

Xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt. Bệnh rất hiếm gặp,nó dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho gan, tim, xương khớp như suy tim, đau xương khớp, tiểu đường…

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH THIẾU MÁU THIẾU SẮT

Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh. Về lâu dài tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là phụ nữ có thai. Do đó, cần nhận biết những dấu hiệu sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

Các triệu chứng xảy ra khi bị thiếu máu do thiếu sắt:

Mệt mỏi được coi là biểu hiện thường gặp, ngoài ra còn có các dấu hiệu như khó tập trung hay giảm năng suất làm việc.

Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy.

Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu là do thiếu máu oxy lên não không đủ làm các mạch máu sưng lên, gây áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.

Đau ngực, khó thở: triệu chứng này trở nên nặng hơn khi gắng sức, hoạt động thể lực. Triệu chứng này có thể vì hàm lượng hemoglobin trong cơ thể ít hơn bình thường dẫn đến oxy vận chuyển đến các tế bào bị hạn chế.

Tim đập nhanh: là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.

ĐIỀU TRỊ BỆNH THIẾU MÁU THIẾU SẮT NHƯ THẾ NÀO?

Nguyên tắc điều trị

– Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, mất bù.

– Bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng uống.

– Chỉ định sử dụng sắt đường truyền tĩnh mạch trong các trường hợp:

+ Thiếu máu thiếu sắt nặng, rất nặng;

+ Cơ thể không hấp thu được sắt khi dùng dạng uống: Cắt đoạn ruột, dạ dày, bệnh bẩm sinh;

+ Thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển.

– Giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu: Bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt.

– Thời gian bổ sung sắt: Kéo dài, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm ba tháng sau khi lượng huyết sắc tố trở đã về bình thường.

– Phối hợp với điều trị nguyên nhân: Cần tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu thiếu sắt.

Các chế phẩm thuốc bổ sung sắt

–  Dạng uống:

+ Ferrous sulfate; ferrous gluconate; ferrous fumarate;

+ Liều lượng: 2mg sắt/kg/ngày;

+ Thời gian dùng thuốc: 6 tháng đến 12 tháng.

Nên bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.

Lưu ý: Thuốc hấp thu tốt nhất khi uống vào lúc đói, tuy nhiên nếu bị kích ứng dạ dày thì có thể uống trong lúc ăn. Phân có màu đen, táo (không phải do xuất huyết tiêu hóa).

– Dạng truyền tĩnh mạch:

+ Iron sucrose; Iron dextran… chỉ được dùng ở cơ sở y tế, không được tự ý sử dụng.

+ Cách tính liều lượng thuốc bổ sung sắt dạng tiêm:

Tổng liều (mg) = P (kg) x (Hb đích (G/L) – Hb thực (G/L)) x 0,24 + 500 mg

+ P: trọng lượng cơ thể (kg);

+ Hb: nồng độ huyết sắc tố (G/L).

Điều trị nguyên nhân

Phải chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt một cách triệt để, tránh gây thiếu sắt tái phát.

PHÒNG BỆNH THIẾU MÁU THIẾU SẮT

– Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.

Theo khuyến cáo WHO năm 2011 ta có:

Đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400 µg folic acid trong suốt thời gian có thai.

Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú.

Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm.

Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai

– Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột.

– Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như:

Thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng…

Bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,…

Kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng.

Làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.

– Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.

– Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt. Trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

– Người bệnh thiếu máu thiếu sắt nên thực hiện theo chế độ ăn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.

BS Nguyễn Thị Hồng - Khoa HHLS TM

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Y học thường thức
Bài viết mới nhất
22/01/2025 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 20/01/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức chương trình “Xuân ấm tình người” năm 2025 hướng tới người bệnh nặng, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện.
14/01/2025 / benhviendakhoatinhhaiduong
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tặng quà, ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
07/01/2025 / benhviendakhoatinhhaiduong
Nghị quyết số 115/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về việc Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Hải Dương
03/01/2025 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 30/12/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị Đại biểu cán bộ, viên chức và người lao động năm 2024 với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là khách mời và cán bộ, viên chức và người lao động trong Bệnh viện.
26/12/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Năm 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã duyệt 23 khung chương trình đào tạo, thường xuyên tiếp nhận các học viên trong tỉnh đến cập nhật kiến thức và học tập nâng cap trình độ chuyên môn
Tin đã đăng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
 Địa chỉ : 225 - Nguyễn Lương Bằng -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(03203)890 205
Email: benhviendakhoatinhhaiduong@gmail.com
logo.png ® BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
Hết lòng phục vụ người bệnh và hành động vì sức khỏe cộng đồng


BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG giữ bản quyền nội dung cho website này. Nghiêm cấm mọi sao chép bài viết mà không được sự đồng ý của tác giả.