Sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ở Mỹ gặp 120-140/100.000 dân mỗi năm, ở Việt Nam là 0,5-2‰, chiếm tỉ lệ 45-50% trong bệnh lý tiết niệu. Trong số các bệnh nhân mắc bệnh sỏi tiết niệu thì sỏi thận chiếm khoảng 70-75%, tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi, tỷ lệ gặp ở nam 60%, nữ 40%.
Khi đã phát hiện sỏi cần điều trị sớm để tránh các biến chứng nhiễm trùng, suy giảm chức năng thận. Trước năm 1960, ở Việt Nam mổ mở là cách duy nhất trong điều trị ngoại khoa bệnh sỏi tiết niệu. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật các phương pháp điều trị ít xâm lấn như tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi qua đường đường niệu đạo, tán sỏi ngoài cơ thể ngày càng thể hiện ưu thế và được ứng dụng rộng rãi do đó chỉ định mổ mở trong điều trị sỏi thận đã thu hẹp dần.
Phẫu thuật tán sỏi thận qua da (TSTQD) là một trong số các phương pháp điều trị ít xâm lấn. Phương pháp này được đặt nền tảng từ năm 1865, khi Thomas Hillier là người đầu tiên báo cáo thủ thuật dẫn lưu thận qua da. Tuy nhiên, mãi đến năm 1976 kỹ thuật tán sỏi thận qua da lần đầu tiên mới được Fernstrom và Johanson thực hiện. Phương pháp này có ưu điểm nổi bật là áp dụng cho cả bệnh lý tắc nghẽn đường tiết niệu không phải do sỏi như hẹp khúc nối bể thận-niệu quản. Có những trường hợp trước đây chỉ mổ mở thì nay có thể áp dụng phương pháp tán sỏi qua da như sỏi san hô, sỏi ở thận ghép, dị dạng hệ tiết niệu như thận móng ngựa, thận lạc chỗ...
Khoa Phẫu thuật tiết niệu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đã bắt đầu triển khai phương pháp TSTQD bằng đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm từ năm 2016. Đến nay đã thực hiện được trên 200 ca. Qua hai năm triển khai thực hiện cho thấy cho thấy đây là phẫu thuật an toàn, hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh:
- Kỹ thuật TSTQD thay vì một đường mổ dài ở vùng sườn lưng nay chỉ có một đường hầm đường kính 5mm đi từ ngoài da vào trực tiếp viên sỏi, sỏi được tán thành những mảnh nhỏ rồi lấy ra ngoài.
- Không gây tổn thương nhu mô thận: Nếu mổ mở đặc biệt với sỏi san hô khi mổ cần phải sử dụng các thủ thuật rạch rộng nhu mô gây tổn thương nhu mô thận nhiều.
Vết mổ tán sỏi qua da | Vết mổ mở |
- Kỹ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm do đó cả bệnh nhân và thầy thuốc không chịu ảnh hưởng của tia X quang điều mà người ta vẫn lo ngại khi thực hiện tán sỏi qua da tiêu chuẩn trước đây.
- Sau mổ bệnh nhân đau ít, thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh.
Với nhiều tính ưu việt như trên, phẫu thuật tán sỏi thận qua da đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Trước tán sỏi | Sỏi được tán | Sau tán sỏi |
BS Nguyễn Duy Đông
Khoa Ngoại Tiết niệu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương