Đa số các trường hợp u cuộn mạch gặp ở vị trí dưới móng (subungual glomus tumor). Đây là vị trí gặp với tần suất cao nhất trong các thông báo lâm sàng trên y văn nên nhắc đến u cuộn mạch thường nghĩ ngay đến u cuộn mạch dưới móng và đây cũng là vị trí gây phiền toái nhất cho bệnh nhân. Vì sự hiếm gặp của tổn thương khiến cho đôi khi ngay cả các bác sỹ chuyên nghành cũng không nghĩ tới và dễ chẩn đoán nhầm. Nhân 1 trường hợp u cuộn mạch dưới móng ngón tay và 1 trường hợp ở vị trí cẳng chân đã được điều trị nội khoa tại bệnh viện trên Hà Nội nhưng không hiệu quả, bệnh nhân đã được phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cho kết quả rất tốt, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về tổn thương này.
- Bệnh nhân thứ nhất: U cuộn mạch dưới móng
- Bệnh nhân thứ 2: U cuộn mạch cẳng chân
Triệu chứng lâm sàng: U cuộn mạch thường là các biểu hiện đau khi bị kích thích cơ học hoặc kích thích nhiệt, cơn đau thường nhanh, lan tỏa từ vị trí có khối u, sau đó giảm dần và tự hết, hiếm khi kéo dài. Khi không có kích thích thì không có triệu chứng. Các triệu chứng này là do các đầu mút thần kinh không có myelin bao bọc bị kích thích. Khi khối u lớn, có thể quan sát thấy với biểu hiện vùng màu xanh phía dưới móng tay. Việc thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh nhân rất có giá trị cho chẩn đoán tuy nhiên ở giai đoạn sớm thường khó khăn do tổn thương nhỏ và các biểu hiện lâm sàng chưa thật rõ ràng, do đó thường bị phát hiện muộn. Một vài nghiệm pháp lâm sàng được các tác giả mô tả như Love test, Hildresth sign, test nhạy cảm lạnh,… có giá trị trong chẩn đoán u cuộn mạch.
Cận lâm sàng: Có 2 phương pháp cận lâm sàng chính có thể được sử dụng để xác định chẩn đoán u cuộn mạch, đó là siêu âm và chụp MRI.
Siêu âm: có thể thấy một khối giảm âm dưới móng, tuy nhiên khó khăn trong 1 số trường hợp như khối u quá nhỏ hoặc nhiễu do móng tay bệnh nhân.
Cộng hưởng từ(MRI): có ưu điểm là trong trường hợp phát hiện ra thì sẽ đánh giá được chính xác khối u.
Đặc biệt siêu âm Doppler có giá trị trong chẩn đoán phân biệt đối với 1 số tổn thương u.
Điều trị: phẫu thuật là lựa chọn duy nhất khi đã có chẩn đoán xác định u cuộn mạch dưới móng. Kỹ thuật phẫu thuật tương đối đơn giản, hiệu quả phẫu thuật cao là những ưu thế được nhiều tác giả công nhận. Một hạn chế có thể là yếu tố thẩm mỹ trong trường hợp phải cắt bỏ 1 phần móng của bệnh nhân.
ThsBs Nguyễn Hoàng Thái, ThsBs Nguyễn Đức Phúc
Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV đa khoa tỉnh Hải Dương