1. Tìm hiểu về bệnh xẹp đốt sống
Loãng xương là bệnh lý thường gặp do mật độ canxi trong xương giảm thiểu khiến xương không được chắc khỏe và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau trong đó có xẹp đốt sống.
Xẹp đốt sống là tình trạng phần thân của đốt sống cổ, ngực hoặc lưng bị đè nén và xẹp xuống. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là bệnh loãng xương, tuy nhiên các chấn thương do tai nạn hoặc một số bệnh lý từ xương khác cũng có thể gây ra xẹp đốt sống. Xẹp đốt sống thường gặp ở những nhóm người như sau:
· Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh
· Người bệnh loãng xương thứ phát kèm theo còi xương hoặc suy dinh dưỡng từ nhỏ
· Tiền sử gia đình có người mắc bệnh loãng xương
· Người ít vận động, tập thể dục hay chơi thể thao
· Sử dụng thường xuyên các chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện...
· Mắc một số bệnh lý như: Suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng năng tinh hoàn, cường tuyến giáp, tuyến cận giáp, suy thận mãn hoặc chạy thận dài ngày, viêm khớp dạng thấp,thoái hóa khớp...
2. Điều trị xẹp đốt sống sử dụng kỹ thuật bơm xi măng sinh học
2.1 Bơm xi măng sinh học là gì?
Bơm xi măng sinh học là phương pháp thường được chỉ định trong điều trị xẹp đốt sống. Đây là kỹ thuật sử dụng một ống thông có kích thước rất nhỏ chọc qua da và bơm xi măng sinh học vào các đốt sống bị lún xẹp.
Hiện nay, có hai kỹ thuật bơm xi măng sinh học là kỹ thuật bơm xi măng sinh học không dùng bóng (Vertebroplasty) và kỹ thuật bơm xi măng sinh học dùng bóng (Kyphoplasty).
Bơm xi măng sinh học được đánh giá là phương pháp can thiệp tối thiểu trong điều trị xẹp đốt sống vì vết chọc kim rất nhỏ (<5mm). Bên cạnh đó, thời gian thực hiện bơm xi măng sinh học nhanh chóng, an toàn và hiệu quả cao, người bệnh có thể hoạt động bình thường sau 4-5 giờ thực hiện kỹ thuật.
2.2 Chỉ định bơm xi măng sinh học điều trị xẹp đốt sống khi nào?
Không phải bất cứ ai mác xẹp đốt sống đều được chỉ định điều trị bằng cách bơm xi măng sinh học, các trường hợp được chỉ định áp dụng điều trị bao gồm:
· Người bệnh bị xẹp đốt sống do tình trạng loãng xương gây ra
· Xẹp đốt sống gây ra đau cấp tính, cần được nhập viện điều trị khẩn cấp
· Sau khi người bệnh xẹp đốt sống đã điều trị bằng các phương pháp như sử dụng thuốc giảm đau, nẹp lưng và nghỉ ngơi nhưng không có hiệu quả
· Xẹp đốt sống do chấn thương gây đau đớn
· Xẹp đốt sống do khối u ác tính gây ra
· Sử dụng corticoid dài ngày hoặc bệnh chuyển hóa gây ra loãng xương và xẹp đốt sống.
Ngoài ra, các trường hợp sau chống chỉ định sử dụng phương pháp bơm xi măng sinh học điều trị xẹp đốt sống:
· Bệnh nhân mắc rối loạn đông máu
· Người bệnh nhiễm trùng tại vị trí xẹp cột sống hoặc nhiễm trùng toàn thân
· Tình trạng xẹp đốt sống quá 50% chiều cao thân đốt đốt sống
· Xẹp đốt sống không phải do loãng xương gây ra.
· Bệnh nhân xẹp đốt sống không đau hoặc đau ít.
Bơm xi măng sinh học là phương pháp điều trị xẹp đốt sống hiệu quả
được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương
2.3 Kỹ thuật bơm xi măng sinh học điều trị xẹp đốt sống được thực hiện như nào?
Trước khi tiến hành kỹ thuật, bệnh nhân sẽ được khám và đánh giá toàn diện mức độ xẹp đốt sống thông qua khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu... Kỹ thuật bơm xi măng sinh học sẽ được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bệnh nhân được yêu cầu nằm sấp và kết nối với các thiết bị theo dõi trong suốt quá trình diễn ra. Các bước thực hiện bao gồm:
Bước 1: Xác định điểm vào thân đốt sống tổn thương thông qua cuống trên C-arm
Bước 2: Tiến hành sát trùng và gây tê tại vùng chọc kim gần với tổn thương nhất.
Bước 3: Tiến hành bơm thuốc cản quang để đánh giá, kiểm tra thành đốt sống có toàn vẹn hay không.
Bước 4: Tiến hành pha trộn xi măng theo tỷ lệ để chuẩn bị bơm
Bước 5: Đây là bước quan trọng nhất khi thực hiện kỹ thuật, xi măng sinh học sẽ được bơm qua kim định vị rỗng rỗng vào thân đốt sống bị xẹp. Tốc độ bơm phải chậm và được theo dõi chặt chẽ của bác sĩ thông qua C-arm và những biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân như tình trạng đau hay cử động hai chân.
Bước 6: Để chắc chắn xi măng sinh học chỉ khu trú trong thân đốt sống, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng C-arm hai bình diện thêm một lần nữa.
Bước 7: Rút kim bơm và băng lại vết mổ để cầm máu
Sau khi thực hiện xong kỹ thuật, bác sĩ sẽ đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện. Kỹ thuật thành công khi xi măng lan tỏa trong thân đốt sống bị xẹp, không có tình trạng thoát xi măng ra bên ngoài đốt sống. Sau khoảng 4-5 giờ xi măng đông cứng hoàn toàn, người bệnh có thể đi lại bình thường và tình trạng đau đốt sống được cải thiện rõ ràng.
Phương pháp bơm xi măng sinh học tạo hình đốt sống qua da là thành tựu y học nổi bật, là phương pháp can thiệp tối thiểu, hiệu quả, bền vững, ít tai biến, giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng. Hiện phương pháp bơm xi măng sinh học đang được thực hiện thường quy tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.