1. Cấu tạo HbA1c
HbA1c là sản phẩm của quá trình glycosyl giữa phân tử glucose và nhóm amin tại vị trí valine có nhóm amin đầu tận cùng chuỗi beta của hemoglobin. Đặc điểm của quá trình này là không cần năng lượng cũng như xúc tác của enzym mà chỉ phụ thuộc vào nồng độ glucose máu.
Trong hồng cầu có 3 loại huyết sắc tố: HbA chiếm 97- 98%, HbA2 chiếm 2- 3%, HbF ở bào thai 0-1%. Sự kết hợp giữa glucose và hemoglobin A được gọi là HbA1c. HbA1(5-7%) có 3 loại HbA1a ( fructose 1,6 diphosphat và Glucose 6 phosphat gắn với hemoglobin), HbA1b (pyruvat với hemoglobin)và HbA1c trong đó HbA1c chiếm 80% của HbA1. Khi glucose máu ổn định, HbA1c cũng sẽ ổn định. HbA1c chiếm 4- 6% tổng số huyết sắc tố, 2 loại còn lại chiếm 2- 4% tổng số huyết sắc tố, trong cơ thể HbA1c làm tăng ái tính với oxy và làm giảm việc cung cấp oxy cho các tổ chức. HbA1c được tạo ra mỗi ngày, đào thải dần khỏi máu khi các hồng cầu già cỗi chết đi và được thay thế bởi các hồng cầu mới (chứa hemoglobine chưa glycat hóa). Phản ứng glycolat hóa không đảo ngược nên HbA1c sẽ tồn tại trong suốt đời sống hồng cầu( khoảng 120 ngày). Sự hình thành HbA1c xảy ra chậm 0.05% trong ngày, và tồn tại suốt trong đời sống hồng cầu 120 ngày. Như vậy HbA1c phản ánh mức glucose máu trong vòng 8- 12 tuần lễ trước khi đo và sẽ cho biết tình trạng kiểm soát glucose máu trong thời gian này.
2. Ý nghĩa xét nghiệm HbA1c :
Xét nghiệm glucose máu đôi khi không ổn định phụ thuộc nhiều yếu tố như chế độ ăn, tập luyện, tâm lý, stress… Xét nghiệm HbA1c ổn định hơn nồng độ glucose máu cho phép đánh giá đường máu quá khứ 2-3 tháng trước đó, không phụ thuộc thời điểm lấy máu. Vì vậy chỉ định xét nghiệm HbA1c có ý nghĩa
+ Chẩn đoán ĐTĐ (HbA1c > 6.5%)
+ Theo dõi hiệu quả điều trị ĐTĐ
+ Kiểm soát biến chứng
+ Thông số đánh giá nguy cơ tim mạch ở cả người không ĐTĐ
3. Theo dõi kiểm soát HbA1c
HbA1c là một chỉ số đánh giá sự kiểm soát glucose máu. Hiệp hội đái tháo đường Hoa kỳ khuyến cáo xét nghiệm HbA1c mỗi năm ít nhất 2 lần. Có thể chỉ định xét nghiệm HbA1c thường xuyên hơn 3 tháng/1 lần khi bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường hoặc khi đường huyết chưa được kiểm soát tốt.
Kết quả xét nghiệm HbA1c không phản ánh những tăng, giảm cấp tính và tạm thời của đường huyết. Các biến đổi đường huyết nhanh chóng ở những bệnh nhân có tình trạng đái tháo đường “thoáng qua” sẽ không được HbA1c ghi nhận.
Bệnh nhân có những biến thể của hemoglobin trong máu, như hemoglobin của bệnh hồng cầu liềm (hemoglobin S), lượng hemoglobin A sẽ giảm. Điều này có thể hạn chế ích lợi của xét nghiệm HbA1c trong việc theo dõi quản lý bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân bị thiếu máu, tán huyết, xuất huyết nặng, bệnh nhân truyền máu cũng gây ảnh hưởng kết quả HbA1c
Giá trị kiểm soát HbA1c
Mục tiêu kiểm soát ở bệnh nhân ĐTĐ theo ADA- 2013 : HbA1C <7( %)
4. Các phương pháp xác định HbA1c
Hiện nay dựa vào sự khác nhau của điện tích phân tử và cấu trúc hóa học hemoglobin có các phương pháp đo HbA1c như: sắc ký lỏng hiệu năng cao, điện di mao quản, sắc ký ái lực hoặc miễn dịch, enzyme. Tuy nhiên các phương pháp sắc ký cho phép phân tách được các thành phần huyết tố điều này giảm được sai sót xét nghiệm HbA1c ở các bệnh nhân có các biến thể hemoglobin
Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, xét nghiệm HbA1c hiện nay được sử dụng trên máy HA 1500 dựa trên nguyên tắc lỏng hiệu năng cao (HLPC) đây là phương pháp xét nghiệm ổn định cao, phân tách được các thành phần huyết sắc tố bất thường, đã được hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (NGSP) và IFCC (hiệp hội hóa sinh lâm sàng thế giới) công nhận được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân đái tháo đường.
Khoa Xét Nghiệm